Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Chia sẻ: tìm hàng hot trend chơi đánh thị trường Việt Nam hoặc global dropship, áo thun, cốc kiếc các kiểu hay FBA...

Các bạn biết đấy, thỉnh thoảng lại thấy vài cái ad tây tây chứa cả vạn đơn hàng. Thèm được thế đúng không? Mình sẽ chỉ cho các bạn cách làm. Với mình thì không có khái niệm sợ người khác ăn mất bát cơm của mình đơn giản mình hơi dị hướng theo tâm linh số phận nhưng không dị đoan. Đi khắp cái Châu Âu từ bắc sang đông...tây mình thấy nó cũng vậy, sắp chết đến nơi tụi tây vẫn cầu chúa đó thôi ! Ngày còn đi học, đến kỳ thi tụi bạn vẫn Amen cầu chúa cho thi ngon lành hoài à :D
Giàu thì có số cả, nghèo cũng thế ! Phấn đấu để đủ ăn trước mắt thôi. Đang yên lành chơi cú vietlot được 5 triệu đô.
Cho đi 1 chiếc áo ấm đang mặc để có thể là tự kiếm cho mình cái áo ấm hơn vậy thôi. Vì thế, hãy cứ chia sẻ thoải mái đi mọi người. Dạo này group thấy nghèo share quá :(
Ok mình không nói làm nhàm nữa vào chủ đề chính. Để ra được cái post vạn đơn hàng kể ra thì khó nhưng biết cách làm quen rồi dễ thôi.

Bước 1: bạn vào đây adsvantage.net (trang này nó index liên tục các ads của Mỹ, Canada - 2 thị trường Online khủng nhất, hiện giờ nó đã cập nhật 3 triệu quảng cáo và đang tăng lên...Nên bạn yên tâm tương đối các ads fb của Mỹ đều có mặt trong này.
Bước 2: Sau khi đăng ký xong, trong ô tìm kiếm bạn hãy gõ 1 loạt các key về nghành hàng của bạn ra rồi enter.
Bước 3: Ngay cái mục tìm kếm có phần [Sort], bấm vào đó để bạn tiến hành lọc những post tương tác nhiều. Bấm thêm mục DATE để lọc thời gian gần đây => Vậy là bạn có hot trend products rồi.
Bước 4: Lúc này nó sẽ cho ra 1 kết quả rất đẹp. Chúng ta copy cái title của nó vào facebook để vào fanpage hoặc các bạn bấm thẳng vào cái title đấy luôn vào để vào trang web và xem chi tiết sản phẩm hơn.
Bước 5: Biết được sản phẩm rồi, tiến hành lên youtube hay google, weibo, pinterest để làm content.
Bước 6: Chạy rào rào test thử, thấy hiệu ứng thì liên hệ dịch vụ order alibaba, 1688 nhập hàng thôi.
Bước 7: Đếm tiền
Bước 8: NGHE LỜI KHUYÊN CHÂN TÌNH : các bạn ạ, tây họ làm sản phẩm rất chuẩn. Bạn không nên video tây mà hàng lởm được. Tiền có thể kiếm được trước mắt nhưng khách mua về không dùng được, hàng rác. Họ chửi và rủa shop ghê lắm. Khẩu nghiệp rất nặng! Họa bất trùng lai... Vì thế dù video tây hay tự bạn sáng tạo video thì hãy nhập sản phẩm chuẩn, không phải rác nhé <3
--> Nhờ vào đây mình biết được 1 trang bán rất nhiều mẫu ốp lưng điện thoại độc. Gom vào 1 album chạy ads ngon lành 

Nguồn Phúc Trần

s:D


Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Ít LỰA CHỌN thì dễ QUYẾT ĐỊNH

Một anh #sales oán trách với bạn anh ta rằng : “Thật là bất công khi mọi việc đều là chúng tôi làm, nhưng Giám Sát lại được khen ngợi và Giám Đốc là người lãnh phần thưởng”
Bạn anh ta cười và nói rằng : “Hãy nhìn đồng hồ trên tay anh xem, rõ ràng kim giây mới chạy nhiều nhất, nhưng khi xem giờ anh cũng chỉ chú ý xem mấy giờ và bao nhiêu phút, mà anh cũng chẳng liếc mắt đến kim giây một lần”

Quy luật của cuộc sống là như thế, nếu anh cảm thấy không công bằng thì phải ra sức cố gắng để là người về trước. Có oán than, trách móc cũng vô dụng mà thôi.
Chính thái độ của chúng ta khi bắt đầu một việc khó, sẽ ảnh hưởng lên kết quả thành công nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Đời sales tưởng chừng rất nghiệt ngã vì bạn ít có sự chọn lựa :
1/ VẤT VẢ hoặc NHỤC NHÃ
2/ TIẾN hoặc BIẾN
Khi bạn có ít lựa chọn thì dễ quyết định. Lựa chọn rồi thì phải kiên định! Làm sales thì đơn giản thôi, không cần phải suy nghĩ nhiều. Chỉ cần nhớ vài ý đại khái thế này (cảm ngộ cá nhân) :
> Rèn luyện mỗi ngày bằng cách đi bán hàng, bạn sẽ cảm được thị trường để dễ ra quyết định.
> Rèn luyện mỗi ngày bằng cách nạp thêm kiến thức mới (đọc sách, thu thập tin tức, quan sát xung quanh) để làm phong phú câu chuyện bán hàng.
> Rèn luyện mỗi ngày bằng cách gặp gỡ khách hàng để xây dựng mối quan hệ, gặp gỡ những người bạn mới để có cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng.
> Rèn luyện mỗi ngày để thạo việc bán hàng, vì nếu bạn đứng yên tại chỗ bạn sẽ bị đào thải.
Đại khái là thế, làm sales thì đơn giản hơn làm chồng. Làm chồng phải rèn một thứ : yêu vợ. Và chứng minh điều đó gần đạt đến độ hoàn hảo. Thế nào cũng sẽ hạnh phúc!
Chúc mọi người tuần mới thành công!
Tèo Tiếp Thị

Sales & Branding

Nếu không Google, không Facebook, không SEO, no Youtube - làm thế nào để bán hàng cho khách hàng bạn không thể gặp họ trực tiếp? Ví dụ khách hàng ở Singapore, ở Úc hay ở châu Phi?
Đấy là công việc tôi phải làm. Cách đây khoảng 20 năm. Bán hàng có nhiều công cụ, đừng xem nhẹ những công cụ truyền thống.
Hồi đó tôi là người chịu trách nhiệm mảng kinh doanh của một công ty sản xuất có thị trường trong và ngoài nước. Áp lực phải bán được hàng, phải có việc để máy móc đắt tiền nhập nước ngoài về không đắp chiếu, tôi không có nhiều thời gian để ngồi nghĩ ngợi phân tích. Chẳng có tài liệu nào để đọc. Chẳng có ai dạy mình tiếp cận thị trường xuất khẩu bằng cách nào. Cứ bắt tay vào làm, vừa làm vừa tự học.
Yellow Page online, nguồn cứu cánh đầu tiên của tôi.
Đọc kỹ thông tin, lên shortlist những khách hàng đọc trông có vẻ tiềm năng. Liên lạc với họ qua hai phương tiện rất truyền thống: gọi điện và email. Kỹ năng lọc database, làm việc với đống số liệu vô hồn. Nhưng chả việc gì mà không có vai trò của nó cả.
Khâu telesales tiếp theo mới thật là nan giải. Quá nhiều rào cản.
Đầu tiên là gọi bằng tiếng Anh. Trước khi ra nước ngoài du học tiếng Anh của tôi không đủ để gọi là business English tử tế được. Vừa gọi vừa run. Nhưng cứ gọi. Lúc đầu run, các cuộc sau này hình như nuột phết vì thấy giao tiếp suốn sẻ (đấy là tự sướng thế chứ chắc đầu máy bên kia tụi nó buồn cười lắm).
Khách hàng chưa biết mình là ai là rào cản tiếp theo. Cảm giác các bạn khi bốc máy nghe ai đó chào bán hàng thế nào? Đa số chúng ta trả lời miễn cưỡng. Nhục nhất là sau câu “where are you from”, mình vừa nói “I am calling from abc company, a Vietnamese one”, khá nhiều người bên kia đầu dây lạnh nhạt hẳn.
Tốn kém. Gọi ra nước ngoài mà. Vừa nói chuyện vừa xót vì chi phí rất đắt đỏ cho mỗi phút qua đi. Nghĩ đến bill trả tiền gọi nếu không có đơn hàng cũng giảm bớt cảm hứng nói chuyện.
May thì nói chuyện với person in charge. Sẽ dễ trình bày nói chuyện. Gặp Gate keeper - chỉ là người trực điện thoại chỉ lạy trời họ cho mình e-mail và điện thoại của người phụ trách kinh doanh.
Thường gọi 10 cuộc thì chốt được 1-2 người quan tâm muốn làm rõ thêm. Họ toàn là wholesesalers đã có sẵn nhiều nhà cung cấp ổn và uy tín. Chấp nhận cho một ông ất ơ ở đâu đâu tham gia pitching cũng là may lắm lắm rồi.
Việc tiếp theo là email marketing
Khâu này thì êm đềm hơn nhiều. Vì là công cụ này tôi làm nhiều, không rush không xót tiền như telesales. Nhưng cũng chả đơn giản.
Cần viết phải chuẩn mực, ngắn gọn nhưng đầy đủ. Đặc biệt là phải có sức thuyết phục đối với những anh cáo giá về mua hàng. Nếu như mục tiêu của telesales là để khách hàng cho phép cung cấp bản chào hàng bằng email thì mục tiêu của e-mail marketing là khiến khách hàng bay sang Việt Nam thăm nhà máy. Họ đồng ý bay sang mình là thành công một nửa rồi đấy.
Gần như 100% khách hàng bay sang nhà máy sau đó về đều gửi email ký hợp đồng. Customer service rất quan trọng. Việc đón tiếp, chuẩn bị mẫu mã, chuẩn bị thông số sản phẩm phải hết sức chi tiết. Khách hỏi gì phải trả lời rõ ràng ngay. Khách không hỏi cũng phải chủ động tư vấn cho họ. Ân cần nhẹ nhàng chu đáo. Nhưng cần đúng mực và không được bị ép. Nhớ có vị khách Thuỵ Điển email đồng ý ký hợp đồng, ông bảo rằng đã từ chối các đơn chào hàng từ Thái Lan và Trung Quốc chỉ vì đến công ty tôi họ được lắng nghe và thấu hiểu hơn. I love the way you wrote emails to me.
Cảm ơn Yellow page, cảm ơn điện thoại cố định và yahoo email - mấy phương tiện giao tiếp cổ lỗ này đã giúp tôi lôi về cho công ty nhiều đơn hàng đều đặn cho công ty. Nhìn những lô hàng xuất đi Thuỵ Điển, Úc, Singapore hay châu Phi xa xôi mà rưng rưng. Một đơn hàng được đong bằng hàng chục lần từ chối phũ phàng trước đó. Những kỷ niệm có vị ngọt thành quả và vị mặn của mồ hôi.
Giai đoạn cực nhọc làm đủ vị trí từ sales man, marketing man đến business leader ở doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoá là quãng thời gian vô giá để hiểu khách hàng, hiểu thực tế kinh doanh nó vất thế nào. Ngày đó giá mà biết về branding thì rao chào hàng còn ngọt nữa.
Vì bản chất của Branding là phục vụ kinh doanh. Branding for sales. Sales practices branding.
Đức Sơn
CEO of RMA

Kinh nghiệm quản lý nhân viên ở quán cafe hiệu quả (phần 2).

Bạn đang kinh doanh một quán cafe, quán ăn dù nhỏ hay lớn, có lẽ bạn sẽ gặp không ít khó khăn với việc quản lý nhân viên phải không? Như là tình trạng nhân viên nghỉ việc thường xuyên, nghỉ việc đột xuất, nhân viên không nhiệt tình…
Vậy giải pháp nào để quản lý nhân viên quán cafe cho hiệu quả?
Với kinh nghiệm từ khâu setup ban đầu, quản lý quán cafe lớn tại TP Bà Rịa, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm “thực dụng - thực chiến” để quản lý nhân viên quán cà phê một hiệu quả, giúp người chủ/quản lý giảm tình trạng bị động về nhân sự.
Đầu tiên bạn cần có nhận thức sau: Nhân sự ở lĩnh vực kinh doanh quán cà phê có đặc điểm chung là chỉ xem đây là công việc tạm thời, đó là tâm lý chung dù quán cafe có bài bản, chính sách nhân sự quy củ thế nào đi nữa (ở đây tôi không bàn đến những chuỗi cafe ngoại). (Bạn hãy thử tìm hiểu lý do có tâm lý này và chia sẻ với mọi người ở mục bình luận nhé).
Từ nhận thức đó, mà chúng ta sẽ tìm ra phương pháp quản lý nhân viên quán cà phê sao cho hiệu quả và dưới đây là một số phương pháp tôi đã ứng dụng vào thực tiễn đem lại kết quả rất tốt.
Thứ nhất, hãy dùng việc chi trả tiền lương làm công cụ để đảm bảo rằng nhân viên không nghỉ việc đột xuất. Cách làm khá đơn giản, hãy giữ ít nhất 5 ngày lương của nhân viên để “phòng bị” cho mức phạt khi nhân viên nghỉ đột xuất. Tôi ví dụ: tôi chi trả lương làm 2 kỳ trong tháng, kỳ đầu tiên trả vào ngày 21 của tháng, tôi chỉ tạm ứng tiền lương chỉ đến ngày 15, kỳ thứ hai tôi thanh toán hết lương của tháng vào ngày 6, tức quán vẫn giữ của nhân viên tối thiểu 5 ngày làm việc. Tôi đưa vào quy định về việc xin nghỉ rất rõ ràng “nếu nghỉ việc mà không thông báo xem như số tiền 5 ngày được giữ lại sẽ đưa vào phạt”. Khi áp dụng phương pháp này, tôi đảm bảo sẽ giảm hẳn tình trạng nhân viên sau khi nhận tiền lương nghỉ đột xuất mà “không ngày quay trở lại” đấy nhé.
Thứ hai, hãy tìm phương pháp chi trả lương công bằng nhất, chính xác nhất. Ví dụ, quán cà phê nhà tôi trả lương nhân theo giờ làm việc (ví dụ 15.000 đồng/giờ với nhân viên phục vụ), tôi đã áp dụng ngay máy chấm công bằng dấu vân tay, việc vào ca - ra ca được quẹt vân tay, phần mềm chấm công vô cùng công bằng chính xác, không có cảm xúc, vì nó là máy mà. Quán của tôi có thời điểm có hơn 30 nhân viên làm việc cho nhiều ca như từ 6h – 10h, từ 10h – 14h, từ 14h – 18h và từ 18h – 22h thế mà việc chấm công chính xác tuyệt đối, công bằng vô cùng. Đặc biệt, việc tính lương cho 30 con người ấy chỉ mất khoảng 2 giờ làm việc. Và hơn nữa, với chiếc máy chấm công, nhân viên sẽ tự động ý thức đúng giờ giấc vì tôi có quy định “nếu đi trễ 1 phút sẽ bị phạt 5.000 đồng nếu không có lý do chính đáng”. Đó cũng là một phương pháp để tạo tính chuyên nghiệp cho quán. Và hơn nữa, nếu nhân viên làm thêm giờ, dù chỉ là 5 phút hay 45 phút đều được máy chấm công ghi nhận và cuối tháng đều được tính toán chi tiết. Tôi chưa bao giờ mâu thuẫn với nhân viên vì tính giờ sai, thật đấy, bạn có tin!
Thứ ba, bạn cần xây dựng tài liệu đào tạo nhân viên sao cho thật đơn giản, thật chính xác và cố gắng chỉ trong 1 trang A4 với đầy đủ mô tả công việc, quy trình tác nghiệp, văn hóa phục vụ. Chỉ có sự đơn giản mới giúp bạn trong vòng 30 phút đã hướng dẫn rành mạch một nhân viên mới bắt tay được ngay vào công việc. Tôi đã viết nhiều bài chia sẻ về chủ đề thiết lập quy trình làm việc, bản mô tả công việc, văn hóa… bạn hãy tìm đọc thêm nhé.
Còn vài tuyệt chiêu nữa để quản lý nhân viên quán cafe sao cho thật hiệu quả tôi sẽ chia sẻ trong bài tiếp theo. Còn giờ đây, bạn hãy áp dụng ngay 3 chiêu thức phổ dụng ở trên vào ngay vào quán cafe nhé.
Hãy chia sẻ và bình luận bài viết về cảm nhận của bạn, đó là động lực lớn để tôi có thêm sức sáng tạo mới đấy.
Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
>>> Đọc thêm bài trước:

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý tại quán cafe của gia đình tôi.Phần 1

Trích: "Kinh doanh cà phê không phải trò chơi may rủi, đừng lặp lại những sai lầm của hàng ngàn người nhảy vào kinh doanh và phá sản vì thiếu hiểu biết.
Có nhận định “kinh doanh dịch vụ café, giải khát, ăn uống như chăm con mọn”, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây chỉ là câu nói đùa hoặc nói quá mà thôi, bởi lẽ nhìn qua cách kinh doanh mảng này thì có gì mà phức tạp, có khi là quá đơn giản.
Bằng sự trải nghiệm từ khi xây dựng quán, đến setup và vận hành quán cafe của gia đình (tôi không nêu tên ở đây) theo mô hình cafe sân vườn kết hợp với các tiện ích dành cho người kinh doanh (như phòng họp, máy in, hệ thống internet chuẩn cáp quang, máy phát điện …) trên diện tích gần 1.000m2 thì bản thân tôi thừa nhận câu nói trên không phải là nói quá mà đó là sự thật.
Kinh doanh mảng này điều gì là vất vả nhất? Và tại café gia đình tôi giải quyết nó như thế nào?
Mảng nào cũng vậy, nhân sự là yếu tố sống còn, con người có thể là tài sản mà cũng có thể là tiêu sản cho người chủ, nó phụ thuộc nhiều vào khả năng quản lý.
Nhân sự ở mảng này có đặc điểm chung là thường chỉ xem đây là công việc tạm thời, đó là tâm lý chung dù rằng quán cafe có bài bản, chính sách nhân sự quy củ thế nào đi nữa. (Bạn hãy thử tìm hiểu lý do có tâm lý này và chia sẻ với mọi người ở mục bình luận nhé).
Chính vì người làm có ý thức tạm thời nên mức độ thay đổi nhân sự ở đây cực lớn, chi phí tuyển dụng & đào tạo vì thế cũng tăng theo và nhất là dễ bị tình trạng bị động về nguồn lực như thiếu nhân sự. Bạn hãy để ý xem nhân sự quán cafe có thay đổi xoành xoạch không.
Biết rõ điều này, tôi đưa ra giải pháp như sau:
1. Có chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển nhân sự rõ ràng, bài bản chia làm 2 dạng nhân sự chính thức (ký hợp đồng lao động) và nhân sự bán thời gian (không ký hợp đồng) với chế độ lương thưởng, thời gian làm việc khác nhau theo hướng rất tốt cho nhân sự chính thức.
2. Phát triển nhân sự theo kim chỉ nan: lương tốt nhất – người tốt nhất. Cafe gia đình tôi cam kết với toàn thể nhân sự là lương thưởng theo năng lực và luôn tốt nhất thị trường, thực tế, café gia đình tôi có chính sách lương dành cho nhân viên chính thức cao hơn từ 20 - 50% với mức chung của thị trường tỉnh BRVT.
3. Luôn luôn có nguồn ứng viên kịp thời khi xảy ra biến động: bằng việc tạo dựng dữ liệu người xin việc.
4. Tạo liên minh – liên kết với các quán cafe khác, hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề nhân sự. Tôi đã chủ động đặt mối quan hệ với nhiều quán café và rất thân thiết với 2 quán café lớn tại Bà Rịa này là café Táo Khuyết & café Ken. Có liên minh này có 2 điểm lợi, một là, khi cần nhân lực cả 3 quán cùng tuyển dụng hoặc các quán hỗ trợ nhân lực với nhau, hai là, có thông tin rõ ràng về nhân lực của thị trường hơn, nếu một quán trong liên minh xa thải nhân sự nào thì tất cả sẽ không tiếp nhận nhân sự đó.
Mảng này điều gì là khó khăn nhất? Café gia đình tôi giải quyết nó như thế nào?
Thu hút và giữ chân khách hàng là nhiệm vụ khó khăn nhất.
Một ngành nghề vừa sản xuất (chế biến ra sản phẩm) vừa làm dịch vụ (phục vụ khách hàng) thì công tác trên khó khăn hơn bội phần.
Theo nghiên cứu thì công thức để một quán café kinh doanh thành công là:
+ Vị trí địa lý thuận lợi với mức chi phí & thời gian thuê mướn hợp lý với dự án kinh doanh.
+ Dịch vụ khách hàng.
+ Chất lượng sản phẩm: thức uống/thức ăn.
+ Kiến trúc, không gian.
+ Thương hiệu, mối quan hệ của người chủ, người quản lý.
Để kinh doanh thành công mảng này phải là sự kết hợp hoàn hảo các nhân tố trên, đặc biệt là 3 yếu tố đầu tiên chiếm đến hơn 90% sự thành công.
Thu hút khách hàng đã là việc khó, còn giữ được còn là cả nghệ thuật phức tạp hơn nhiều. Khi bước vào kinh doanh nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy mình bỏ ra tiền trăm triệu đến tiền tỷ mà bị một người dùng ly café 15.000 “càm ràm”, nếu bạn không có khả năng chịu đựng cảm giác đó thì hoặc là không đầu tư mảng này, hoặc phó mặc cho quản lý xử lý các tình huống trên.
Tại café gia đình tôi, chúng tôi luôn tìm cách sáng tạo để xây dựng cho mình hình ảnh “chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt” với sự chu đáo, ý thức của từng cá nhân, từ người bảo vệ, phục vụ, thu ngân, pha chế đến người tạp vụ. Người tại quán cafe gia đình tôi ghi nhớ rõ 4 điều cơ bản của sự nghiệp phục vụ và vận dụng nó hàng ngày vào công việc của mình. Điều đó chính là việc thu hút và giữ khách hàng bền vững nhất.
Ngoài ra có nhiều phương pháp khác nhau để thu hút khách hàng như:
+ Tặng phiếu coupon.
+ Liên kết với đối tác có sản phẩm liên quan.
+ Tặng thẻ VIP tích điểm cho khách hàng hiện hữu.
+ Tăng tiện ích cho khách hàng khi đến với quán.
+ ...
Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.