Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

PHÁP LÝ VỀ CON DẤU DOANH NGHIỆP

Tôi làm tư vấn pháp lý doanh nghiệp đã hơn 10 năm. Tôi nhận thấy còn rất nhiều doanh nhân hiểu sai về con dấu doanh nghiệp. Hôm nay, tôi chia sẻ về đề tài này với hy vọng góp thêm một chút thông tin cho nhưng ai còn chưa hiểu rõ về con dấu.
Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời là một cuộc cách mạng thay đổi tư duy về con dấu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ doanh nghiệp. Con dấu không còn “quyền uy pháp lý” tuyệt đối như nhiều người vẫn nghĩ lâu nay.

🔵 Pháp luật mới quy định về con dấu như thế nào kể từ ngày 1/7/2015?
1. Doanh nghiệp quyết định về số lượng con dấu.
Doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu chứ không phải chỉ một con dấu như trước đây.
Tất cả những con dấu của doanh nghiệp phải giống nhau về hình thức và nội dung.
2. Doanh nghiệp quyết định hình thức của con dấu.
✅ Hình dáng: Con dấu có thể có hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật, hình thang, hình thoi, hình elip, hình trái tim hay các hình đa giác khác. Con dấu có thể có hình hoa, hình bướm, hình cá, hình chim tuỳ ý.
✅Màu sắc: Con dấu có thể sử dụng bất kỳ màu mực gì: Xanh, đỏ, tím, vàng, cam, đen hay màu tím cho lãng mạn cũng được.
✅Kích thước: Con dấu có thể nhỏ bằng cái nắp chai bia hay to bằng cái chén đều được.
3. Doanh nghiệp quyết định về nội dung con dấu:
Ngoài nội dung bắt buộc là tên và mã số doanh nghiệp, con dấu có thể có nội dung khác.
Doanh nghiệp có thể thêm vào con dấu các nội dung như logo, slogan hay những nội dung khác miễn không vi phạm các quy định tại Điều 14 Nghị định 96/2015/NĐ-CP.
4. Quyết định về việc quản lý và sử dụng con dấu:
Doanh nghiệp tự quyết định về việc quản lý và sử dụng con dấu không chịu sự quản lý của cơ quan công an như trước đây.
Ai có quyền giữ con dấu (WHO);
Đóng dấu khi nào (WHEN);
Lưu giữ con dấu ở đâu (WHERE):
Đóng dấu vào tài liệu gì (WHAT);
Tại sao phải đóng dấu (WHY);
Đóng dấu như thế nào (HOW);
Tất cả nội dung trên đều do doanh nghiệp tự quyết định và ghi trong điều lệ công ty.
5. Sản xuất con dấu:
Nếu khéo tay, doanh nghiệp có thể tự khắc con dấu để sử dụng hoặc thuê đơn vị khắc dấu thực hiện.
6. Thông báo mẫu con dấu:
Sau khi tự làm hoặc đặt làm con dấu theo quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (www.dangkykinhdoanh.gov.vn).
Tại trang web này, chúng ta cũng có thể tra cứu mẫu con dấu của các doanh nghiệp khác.
7. Con dấu được làm trước ngày 1/7/2015
Những con dấu được làm trước ngày 1/7/2015 vẫn được tiếp tục sử dụng mà không cần phải làm bất kỳ thủ tục nào.
8. Thay đổi mẫu con dấu.
Muốn thay con dấu mới, doanh nghiệp tự làm con dấu hoặc đặt làm con dấu theo quy định nêu trên và thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đối với con dấu làm trước ngày 1/7/2015, doanh nghiệp phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đồng thời thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
9. Mất con dấu:
Khi mất con dấu, doanh nghiệp tự làm con dấu hoặc đặt làm con dấu theo quy định nêu trên và thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Đối với con dấu làm trước ngày 1/7/2015, doanh nghiệp thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu trước khi thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.
10. Sử dụng con dấu trong giao dịch.
Các bên giao dịch thoả thuận về việc sử dụng con dấu. Chẳng hạn trong quan hệ hợp đồng các bên có thể thoả thuận đóng dấu hoặc không đóng dấu.
Trong các biểu mẫu hồ sơ đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT không quy định doanh nghiệp phải đóng dấu vào văn bản.
Tôi vẫn chưa tìm ra văn bản quy phạm pháp luật nào buộc doanh nghiệp phải đóng dấu vào văn bản do mình phát hành hoặc tham gia ký kết (Ngoại trừ thông tư 04/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ, nhưng thông tư này dành cho các cơ quan Nhà nước). Do đó, trong giao dịch có con dấu cũng được mà không có cũng không sao.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng con dấu trong giao dịch cũng không thể bỏ được.
⛔️ Những doanh nghiệp nào không được điều chỉnh bởi quy định về con dấu của Luật doanh nghiệp:
Tổ chức, đơn vị được thành lập theo các luật sau đây không áp dụng quy định về con dấu trong Luật doanh nghiệp mà thực hiện theo Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu:
a) Luật Công chứng;
b) Luật Luật sư;
c) Luật Giám định tư pháp;
d) Luật Kinh doanh bảo hiểm;
đ) Luật Chứng khoán;
e) Luật Hợp tác xã.
Lưu ý: Với quy định này thì con dấu của ngân hàng được quy định theo Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có ngân hàng nào dám thực hiện quy định mới này. Đây cũng là sai sót của Chính phủ khi ban hành nghị định 96/2015/NĐ-CP.

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

CÁC YẾU TỐ CẠNH TRANH

1. Khi mà chất lượng sản phẩm và giá thành như nhau người ta sẽ xem xét dịch vụ đi kèm.

2. Khi dịch vụ lại ngang nhau người ta sẽ để ý đến thái độ phục vụ.

3. Khi nhiều đối thủ cũng làm được tốt hết các phần này thì NGƯỜI DẪN ĐẦU chính là người CÓ TÂM với khách hàng nhất vì họ luôn biết quan sát và nghĩ ra rất nhiều GIÁ TRỊ CỘNG THÊM.
Vd: đổ xăng (xe hơi) được tặng cái khăn lạnh và chai nước tinh khiết hoặc tiện thể lau kính hộ trong thời gian chờ há..há...

Văn Hoá ứng xử và cung cách phục vụ của Người Việt Xưa không thua kém bất kỳ ai, chỉ vì nó trải qua hơn bảy chục năm liên tục cải cách nên hơi "rách rưới" xíu thôi, rồi nó cũng sẽ trở lại như các kiểu thời trang và tiêu chuẩn sắc đẹp phụ nữ ấy mà.

- Có mỗi cái...ống quần hết loe rồi lại bó, (mình nghĩ nó lại sắp...loe.)

- Chuẩn Phụ nữ đẹp hết "dài" rồi lại tới "ngắn", hết gầy gầy lại quay về "có da có thịt" cho mà xem.

Người Nhật họ mở mấy cái siêu thị ở VN với cái văn hoá TRUNG THỰC và họ chấp nhận là chuỗi bán lẻ "BỊ THẤT THOÁT" hàng hóa số một ở xứ sở Rồng Tiên chứ dứt khoát không đối xử với tất cả các KH của mình như "những người có thể ăn cắp" giống những chuỗi bán lẻ khác. Có đáng kính trọng lắm không?!

Nay, họ "chỉ" cam kết bán đúng, "chỉ" cuối người chào khách hàng của mình mà được khen tận mây xanh không phải là LỖI của họ, nó thể hiện rằng phần đông người tiêu dùng bị dồn nén bức xúc với cách làm vừa gian lận vừa trịch thượng đã lâu, và rằng họ mong mỏi một cung cách làm ăn đàng hoàng lẫn cung cách phục vụ văn minh lớn đến mức nào. Và nó rất đáng được hiểu, được cảm thông, mình không nên chỉ trích những người khen...quá lời làm gì.

Tất cả đều là những dấu hiệu tích cực và là một KẾT QUẢ KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG hoàn hảo cho mỗi Doanh Nghiệp.

Còn đợi chờ gì nữa mà không đầu tư thật kỹ vào dịch vụ và cung cách phục vụ?!
(Trong lúc một số lo cãi nhau thì số khác đang tích cực thay đổi...)
Ai cảm thấy...khoái chí giống mềnh nà?!
Mr.Bựa

CHUYỆN HÀI - VÌ SAO EM CHẾT PHẦN 1

(Bài viết dựa trên câu chuyện của cá nhân, Các bài về thành công, ý chí , nghị lực các anh các chị đã chia sẻ hết nên em chỉ biết chia sẻ về thất bại thôi)

Vào năm 2011, trong bối cảnh sắp được trường Đại học công nghiệp cho tốt nghiệp sớm (Vì nợ môn quá nhiều), và cũng lúc đó tuổi trẻ sung mãn, khát khao làm giàu tột cùng, ý chí kiên trung tôi bắt đầu lùng bùng khởi nghiệp.

Tôi già đời hơn các bạn sinh viên khác cùng lứa khi vừa ra trường bởi lẽ đã tích luỹ cho mình vài tiền án và khá nhiều tiền sự. Sự "lõi đời" của tôi cũng cao hơn bạn trẻ cùng lứa lúc đó nhiều lần và chính sự “già dặn” đó đã làm cho nhân vật Tôi trở nên cá tính, tự cao, tự đại “chỉ tay lên trời hận đời vô đối”
.
Quyết chí khởi nghiệp, cùng với ông anh đáng kính và một anh bạn kỹ thuật sửa xe giàu kinh nghiệm. Bộ 3 "hoàn cảnh" y như câu chuyện lừng danh của Steven Jobs với Steve Wozniak, Steve Jobs và Ronald Wayne huyền thoại ở cái thời lập nên Apple :)). 3 chúng tôi có quá nhiều điểm chung, như; chung máu, chung tiền, chung xuất phát điểm, chung đam mê … nói chung là chung rất nhiều. Sau 1 cuộc họp ngắn chưa đầy 30 phút, ý tưởng sẽ phải có 1 công ty “để làm đổi thay thế giới” bắt đầu. Vài nét bút nguệch ngoạc trong sổ, cùng một giấc mơ lớn, cùng một tinh thần khát khao đam mê, và đặc biệt là “Rất yêu khoa học” chúng tôi đã cùng nhau lập công ty để thay đổi thế giới mang tên ABC (Tên đã được thay đổi vì lý do tế nhị)

Lúc lập công ty, để oai phong lẫm liệt chúng tôi mặc dù chả hiểu gì về vốn điều lệ nhưng cũng nâng lên chục tỷ cho oai (sau đó nộp thuế môn bài thấy bà luôn) . Cầm trong tay con dấu, phân chức vụ rõ oai, Card visit in cả chục hộp, 1 Chủ tịch, 1 Tổng giám đốc và 1 Giám đốc. Chỉ với 1,5 triệu, nghiễm nhiên trở thành Tổng giám đốc cầm trên tay con dấu với công ty “Chục tỷ” vốn điều lệ. Oai như cóc !
Công ty đi vào hoạt động, mấy tháng đầu tiên án binh bất động, tìm kiếm thời cơ, xây dựng nhà xưởng nuôi chí lớn. Mục đích của việc thuê đất xây xưởng lúc đó chỉ nhằm cho “Có chỗ chui ra chui vào” “Nhát ma doạ khỉ” Hù doạ đối tác, người thân” Và vài trăm triệu tiền vốn góp đã được chúng tôi ĐỐT nhanh - gọn -Lẹ. (Chúng tôi dân kỹ thuật nên việc xây dựng nhà xưởng kiểu như 1 biểu tượng của tinh thần yêu khoa học :))

HỢP ĐỒNG ĐẦU TIÊN

Nhà xưởng xong, đã có chỗ ủ mưu sâu kế hiểm, cả 3 chúng tôi mỗi ngày toạ cùng nhau để tìm đường “Vượt biển lớn”. với niềm tin sắt đá “Đã đi rồi sẽ đến” (Đến đâu thì chưa biết) Như một sự ngỡ ngàng, khi một nhân vật lớn trong bộ ba chúng tôi “Vấp té lụm được 1 vài bí kíp” đó là vài hợp đồng “Gia công mô hình" cho một số trường dạy nghề ô tô. Câu chuyện hấp dẫn kể từ giây phút này .
Với tổng hợp đồng trị giá 2 tỷ đồng cho lô mô hình thiết bị này, chúng tôi họp khẩn cập Hội đồng quản trị với sự có mặt đầy đủ của Chủ tịch, Tổng giám đốc, và tôi Giám đốc. Sau 72 hiệp lấy máy tính Casio Fx750 nhấn đi nhấn lại các kiểu, chúng tôi bắt đầu nhẩm thấy có lợi nhuận lên đến 20% (Tương đương 400 triệu). Suy xét thấy kèo thơm chúng tôi đồng lòng quyết định ĐÁNH.

LAO VÀO CÙNG SỰ HÀO HỨNG

Thiếu vật tư - Mua (Dư lần sau xài), Thiếu máy móc thiết bị gia công - Mua(Có thứ để mà làm, kể cả chưa dùng đến cũng mua,lỡ may cần đến) Thiếu người làm - Tuyển (Có nhân viên để mà sai) Thiếu tiền - Mượn (Làm xong quyết toán trả sau, lo gì) và khi trang bị đầy đủ “Súng ống đạn dược cuộc chiến chính thức bắt đầu.

CUỘC CHIẾN BẮT ĐẦU

Cuộc chiến số 1 : Chiến nhau với chính quyền, vì dựng xưởng trong khu nhà dân, xây dựng trái phép , không có giấy phép môi trường, không có hệ thống PCCC, không có … Nói chung là cuộc chiến số 1 làm tiêu hao một phần sinh lực và cũng may mắn dành chiến thắng (Bài học rút ra được trong cuộc chiến này là phải biết 2 loại kỹ năng quan trọng đó là ăn nhậu và đưa hl)

Cuộc chiến thứ 2: Cuộc chiến với nhà cung cấp, giá báo 1 đàng hàng giao một kiểu, không kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào. Cuộc chiến này cũng vật vã vượt qua sau nhiều lần tranh cãi.
Cuộc chiến thứ ba: Cuộc chiến với đối tác về tiến độ, về các giai đoạn thanh toán, về cam kết ban đầu, về công nợ về chuyển giao. Cuộc chiến này lấy đi quá nhiều sức lực, kéo dài giai giẳng. Phần vì lần đầu làm chuyện ấy kinh nghiệm non nớt không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Phần vì đối tác chia thanh toán ra quá nhiều giai đoạn và công nợ leo thang… Cuộc chiến này đã làm nảy sinh cuộc chiến thứ 4 vô cùng tàn khốc (ở bên dưới).

Cuộc chiến thứ tư: Sau những sự vụ bên trên đã gây ra cuộc nội chiến "đẫm máu", các bất đồng lên cao khi áp lực về tiến độ gia tăng, Chủ tịch chửi Tổng giám đốc, Tổng giám đốc chửi Giám đốc và Giám đốc chửi nhân viên. Sự nghi ngờ lẫn nhau về lòng chính trực về năng lực bắt đầu lên đến đỉnh điểm. Những hợp đồng đầu tay kết thúc trong vật vã, và đó cũng là những hợp đồng cuối cùng.
Sau 1 dự án, 4 cuộc chiến đẫm mồ hôi nước mắt, hàng trăm sự vụ… 3 con người khát vọng ngày nào đã quyết định tiễn dự án này lên đường về nơi an nghỉ cuối cùng trong im lặng…

VÌ SAO TÔI CHẾT?

Thích hoành tráng hoá bản thân, hành động bất chấp sự tính toán, tay chân nhanh hơn não, hoang tưởng về biển lớn, không biết về tính toán chi phí, dòng tiền, không có năng lực quản trị, và chả hiểu mẹ gì về kinh doanh dẫn đến cái chết tức tưởi khi tuổi vừa chập chững vào đời.

Cuộc chiến kết thúc, điều đau đớn nhất là đằng sau cái chết của một dự án đó là những người anh em thân thiết trở mặt và coi nhau như kẻ thù. Câu chuyện đó đã xảy ra cũng ngót 6 năm, vết thương đã hàn gắn, mỗi người cũng đã nhận ra được ít nhiều thứ gọi là kinh nghiệm, để nhiều khi ngồi NGHIỆM lại thấy thật là KINH.

Các phần tiếp theo 2,3,4,5 sẽ viết tiếp khi có nhiều thời gian ạ. Xin cảm ơn BQT đã duyệt bài và cảm ơn anh chị em đã đọc

Trân trọng
Nguyễn Thanh Đàm

Lời chào có cao hơn mâm cỗ?

Các cụ nhà ta xưa có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ", ấy là để nhấn mạnh rằng, dù cỗ bàn của anh có to đến đâu, có ngon đến đâu thì cái tình cảm, thái độ, sự chân thành trong lời mời chào là rất quan trọng. Đừng có nghĩ mời người ta được một bữa thì mặt vênh lên, hay vừa mời vừa tiếc rồi mặt sưng mày sỉa.



Ấy là với cái sự mời ăn cỗ, là với văn hoá đời thường, còn trong kinh doanh thì sao?

Người Việt ta rất giỏi lễ nghĩa trong các ứng xử chốn quan trường, rồi các nghi thức dềnh dang cờ hoa ô lọng, là vì chúng ta ảnh hưởng rất lớn, rất sâu bởi nền Nho học. Nhưng, trong kinh thương thì ta lại rất kém. Ta kém từ cái tầm nhìn, phương pháp, chiến lược cho đến những kỹ năng, kỹ thuật và lễ nghĩa (tiêu chuẩn nghề) thông thường. Chính sách "trọng nông ức thương" của hàng ngàn năm phong kiến đã biến VN thành một nước nông nghiệp lạc hậu. Chúng ta xa lạ với guồng quay và văn hoá kinh doanh thế giới cả thế kỷ. Thêm vào đó là những năm tháng bao cấp, cơ chế xin - cho không tuân theo quy luật thị trường đã hình thành nên một nền kinh tế không tôn trọng người tiêu dùng, không lấy khách hàng làm trung tâm, đi mua mà như đi ăn xin...

Lúc này, cỗ bàn thì đã đạm bạc mà lời mời chào còn xa xỉ hơn.

Thực tế là để nhìn nhận và thay đổi chứ không phải để chối bỏ. Lịch sử nào cũng có thể sang trang. Tất cả phụ thuộc vào thái độ của những người đương thời chúng ta.

Ông TGĐ IQ8 cúi đầu chào khách là văn hoá của người Nhật. Ở Việt Nam hay ở đâu họ cũng làm vậy. Nhưng nếu họ có làm điều đó như một phương tiện để cạnh tranh, để PR - dựa trên sự thấu hiểu về mặt bằng chất lượng dịch vụ ngành bán lẻ xăng dầu Việt Nam - thì cũng không có gì là sai cả. Chúng ta không có căn cứ và không thể hồ đồ đánh giá là họ "giả tạo" được. Chúng ta có thể thích hay không thích là chuyện cá nhân từng người. Còn về mặt kinh doanh, họ được phép làm bất kỳ điều gì mà luật pháp và đạo đức cho phép. PR trung thực những gì tốt đẹp của doanh nghiệp, tổ chức không có gì là xấu, trái lại đó là cả một khoa học, nghệ thuật cần nỗ lực học hỏi và thực hành. Hãy ngừng suy nghĩ méo mó về PR. Hãy trân trọng những người kinh doanh tử tế và thôi nghi ngờ vô căn cứ. Nếu không chúng ta sẽ mãi nghèo.

Ở một bình diện khác, cùng với độ nóng của câu chuyện "cuộc chiến taxi" gần đây thì case IQ8 thêm một lần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về văn hoá phục vụ, chất lượng dịch vụ của DN Việt, nhất là các DN Nhà nước quen lối coi thường khách hàng. Rồi đây, những thứ như chào hỏi, giải đáp thắc mắc, tư vấn sử dụng, đổi trả... là những yêu cầu tối thiểu mà một đơn vị kinh doanh phải đạt được. Và những "lời chào" đó phải đến từ thực tâm, từ sự nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, phải là thứ đi kèm với một "mâm cỗ" thịnh soạn, phù hợp khẩu vị của khách hàng, chứ không phải đó là những lời hoa mỹ, điệu bộ bóng bẩy để che lấp một cách láu cá cho những sản phẩm tồi. Cốt lõi của kinh doanh vẫn là sản phẩm và cách đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đừng có mơ chỉ cần học được cách huấn luyện đội ngũ chào duyên, nói ngọt là xong. Khách hàng giống như là vợ của chúng ta vậy đó. Đừng có hòng qua mắt họ.
Lời chào cao hơn mâm cỗ, nhưng nếu cỗ dở thì lần sau đừng hòng mời khách.
12/10/2017
Bích Hịp

NHÂN NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10

Ứng với 100 lao động nam, ở Indonesia có 61 phụ nữ làm việc. Con số này ở Việt Nam là 91, cao nhất trong khu vực. 

Tuy nhiên có cảnh báo là phụ nữ trên 35 tuổi thường bị ra khỏi doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành gia công và xây dựng. Năng suất họ chững lại. Mắt không còn đủ tinh, ngón tay không còn đủ nhanh, sức bền tăng ca không như trước, gánh nặng gia đình con cái cũng làm phân tâm…


Đến đây có hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

Luồng thứ nhất: Phụ nữ cống hiến đến tuổi đó mà bị loại là vắt chanh bỏ vỏ. Công đoàn và Hội Phụ nữ phải vào cuộc để bảo vệ. Cần có luật pháp để ngăn chặn hiện tượng này. Tháng 9 vừa qua Quốc hội cũng nêu vấn đề này nhưng chưa đề ra được giải pháp. 

Luồng thứ hai: Dưới áp lực cạnh tranh trong và ngoài nước, doanh nghiệp cần tuyển những lao động phù hợp nhất để bảo đảm năng lực cạnh tranh. Những lao động không phù hợp nên chuyển sang việc khác. Họ tự nguyện nghỉ do không cạnh tranh được với lớp trẻ, hoặc bị công ty cho nghỉ đúng luật.
Tôi nghĩ chuyện này có liên quan đến quản trị và khởi nghiệp. Xin các anh chị cho ý kiến.

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

BÁN THỨ KHÁCH HÀNG CẦN CHỨ KHÔNG PHẢI BÁN THỨ CHÚNG TA CÓ!!!

Dù rằng đã biết điều này từ rất lâu, nhưng tôi lại vừa mắc sai lầm thứ N. Vẫn một lỗi sai đó.
Trong buổi workshop tuần trước tôi tham gia, có một bạn hỏi thầy Hồ Trọng Lai rằng, khi một startup muốn gọi vốn thì cần chuẩn bị gì, và các quỹ đầu tư quan tâm đến điều gì?

Thầy nói, bạn cần chuẩn bị 1 Business Proposal (bản đề xuất kinh doanh) tốt. Business Proposal là gì?


Thật ra, nó cũng như 1 tài liệu để marketing. Lấy ví dụ, 1 sinh viên mới ra trường viết 1 CV chỉ liệt kê những gì đã học và bằng cấp, khả năng rớt rất cao vì lạc giữa hàng trăm bản CV hao hao như vậy. Còn một sinh viên tìm hiểu về công ty, biết họ mong muốn điều gì ở ứng viên, và viết rất rõ những năng lực của mình trong lĩnh vực đó như thế nào, thì khả năng đậu cao hơn nhiều.

Tương tư, khi bạn muốn kêu gọi vốn, bạn hãy viết những gì mà quỹ đầu tư quan tâm. Quỹ đầu tư quan tâm những gì? (Ngoại trừ một số trường hợp nhà đầu tư cực giàu, không có nhu cầu kiếm tiền, chỉ muốn cống hiến cho đời, thì có thể họ sẽ đầu tư cho những dự án, công nghệ tốt cho xã hội, môi trường…) Nhưng hầu hết các quỹ đầu tư không phải vậy. Họ không quan tâm đến sản phẩm của bạn tốt như thế nào, có giấy chứng nhận gì, là rau sạch hay nông nghiệp sạch hay cafe sạch…

Cái họ quan tâm là: LỢI NHUẬN LÀ BAO NHIÊU? RỦI RO RA SAO? ĐẦU TƯ VÔ THÌ AI QUẢN TRỊ, VÀ CÓ KHẢ NĂNG QUẢN TRỊ HAY KHÔNG? Vì vậy, nếu Business Proposal của bạn chỉ miêu tả về sản phẩm, tác dụng của nó… thì bạn fail rồi. Cái nhà đầu tư muốn đọc sẽ có cấu trúc kiểu: “Đây là 1 dự án có ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) trên 60%” hoặc “Trong 1 năm đầu tư vào 1 tỷ sẽ lấy được 2 tỷ…”. Lúc đó, nhà đầu tư mới lật tiếp xem hồ sơ của bạn.

Trong quyển Business Model Generation, phần Value Proposition có nhắc đến một số câu hỏi:

- Chúng Ta Mang Lại Giá Trị Gì Cho Khách Hàng?

- Chúng Ta Đang Giúp Khách Hàng Giải Quyết Được Điều Gì Trong Những Vấn Đề Của Họ?

- Chúng Ta Đang Đáp Ứng Nhu Cầu Nào Của Họ?

Hoặc nói đơn giản như anh Lâm Bình Bảo nói trong lớp Mô Hình Kinh Doanh: “Chúng ta giải quyết được cái Pain (nỗi đau) hay thỏa mãn được cái Gain (sự sung sướng) gì cho khách hàng?”
Về nguyên tắc, chúng ta phải BÁN THỨ KHÁCH HÀNG CẦN chứ không phải BÁN THỨ CHÚNG TA CÓ! từ “Bán” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là trao đi giá trị, chứ ko chỉ bó hẹp trong định nghĩa của nó. Và “Khách Hàng” trong mỗi bối cảnh sẽ khác nhau.

Nếu bạn là 1 startup muốn trình bày dự án, thì nhà đầu tư là khách hàng của bạn. Nếu trong một câu chuyện tình yêu, thì người yêu bạn chính là khách hàng của bạn. Chúng ta thử lấy một ví dụ về Startup và Nhà Đầu Tư. Một trong những sai lầm của startup là quá yêu đứa con tinh thần của mình. Nên khi tìm đến nhà đầu tư, anh ta chỉ thao thao bất tuyệt nói về những tính năng của sản phẩm mình tuyệt vời ra sao. Họ đã không nói những gì nhà đầu tư muốn nghe, mà họ chỉ nói những gì họ muốn nói.

Thậm chí khi nhà đầu tư tìm hiểu về sản phẩm của họ, thấy ok. Thì tiếp đến, nhà đầu tư sẽ hỏi ai sẽ là CEO. Hầu hết các startup đều nghĩ mình là người có ý tưởng và làm ra sản phẩm, thì mình phải làm CEO chứ. Sai rồi!!! Nhà đầu tư rất sợ điều đó. Họ rất sợ One-man show (thành ngữ tiếng Anh, ý nói 1 người mà quản lý toàn bộ mọi thứ). Họ giả định trong trường hợp người đó ra đường bị xe tông chết thì sao? Số tiền đầu tư của họ mất trắng à? Startup là người nghĩ ra ý tưởng, làm ra sản phẩm. Nhưng khi vào vấn đề chuyên môn, họ cần phải tìm ra nhà quản trị có chuyên môn tốt để điều hành. Một người startup nếu ko có kiến thức tài chính, quản trị… thì họ sẽ quản lý công ty thế nào? Nhưng người startup đó vẫn khăng khăng đòi làm CEO. Và, họ fail.

Có một câu chuyện cười kể cũng tương tự, như khi bạn bị đau đầu, bạn đến nhà thuốc mua thuốc. Đúng lúc nhà thuốc hết thuốc đau đầu, và họ tư vấn bạn dùng thuốc đau bụng! Họ chỉ muốn bán được hàng mà không quan tâm đến vấn đề của khách hàng là gì. Và dĩ nhiên, chắc chắn nhà thuốc sẽ không bán được hàng rồi. Giờ thì bạn hiểu chưa? Bạn đã từng làm như thế đấy. Và tôi cũng đã từng làm như thế rất rất nhiều lần.

Trong quyển Đàn Ông Sao Hỏa, Đàn Bà Sao Kim, cũng nêu những vấn đề này. Khi người đàn ông stress hoặc gặp chuyện không vui, họ thường có xu hướng rút vào hang ổ, suy nghĩ một mình cho đến khi tìm được giải pháp. Hoặc là kiếm một việc gì đó để làm cho khuây khỏa.

Ngược lại, một người phụ nữ khi gặp stress hoặc khó khăn trong cuộc sống, họ thường có xu hướng tìm người mình tin cậy để kể chuyện, nói để giải tỏa những khó chịu trong lòng. Bạn hãy tưởng tượng khi hai người này gặp nhau thì sao? Người đàn ông đang mệt mỏi, chỉ muốn ở một mình suy ngẫm. Còn người phụ nữ thì muốn kể chuyện, tâm sự với người đàn ông.

Và người đàn ông cảm thấy phiền phức, bị quấy rầy, sẽ phản ứng khó chịu, không chịu lắng nghe. Điều đó sẽ làm người phụ nữ cảm thấy tủi thân, giận dỗi, cho rằng người đàn ông không biết thấu hiểu. Nếu điều này vẫn tiếp diễn lâu dài, đến một ngày nào đó, họ sẽ lạc mất nhau. Không phải họ không yêu nhau, mà họ chưa hiểu được nhau.

Bởi vậy, chúng ta cần phải tìm hiểu “Khách Hàng” của mình là ai, họ mong muốn điều gì, chúng ta có điều đó không, có thể đáp ứng tốt nhu cầu của họ không, có thể giải quyết được vấn đề của họ không? Khi đó, chúng ta mới có thể cung cấp được giải pháp cho “Khách Hàng” của mình. Điều này sẽ phụ thuộc vào sự nỗ lực tìm hiểu “Khách Hàng” của chúng ta nhiều đến mức nào. Chúng ta cần thời gian. Sự cố gắng. Sự chân thành. Để thấu hiểu “Khách Hàng” của mình.
Nguyễn Hoàng Nam
Thành viên CEO SG1

VƯỢT GIỚI HẠN

Hôm qua, có một anh bạn người Pháp nhận xét với tôi rằng, người Việt Nam rất tài giỏi, nhất là trong ngành nghệ thuật, nhiếp ảnh, thủ công…, thậm chí có năng khiếu vượt trội các đồng nghiệp phương Tây, nhưng vấn đề là, không có ai đặt ra cho chúng ta những thách thức – hay nói đúng hơn là chúng ta không tự đặt ra các thách thức cho chính mình – để có thể vươn tới sự hoàn thiện. Hình như, khi đạt được một mức độ thành công nào đó, chúng ta hay tự thoả mãn, và chấp nhận cái giới hạn phía trước.

Hồi mới mở dịch vụ tổ chức sự kiện, Le Bros may mắn được làm chuỗi hoạt động rất lớn cho Công ty Honda. Các bạn nhân viên của Honda nói rằng, họ được giao nhiệm vụ giám sát và “review” công việc của chúng tôi. Họ làm thế thật, soi từng tí, từng cái ốc vít, từng cái nút buộc. Một số đồng nghiệp của tôi khó chịu ra mặt. Còn tôi bảo: Chúng ta gặp may đấy. Làm việc với công ty Nhật, họ càng khó tính thì chúng ta càng nhanh trưởng thành. Từ đó, cái backdrop trước mặt tôi không bao giờ bị nhăn, một lá cờ treo không bao giờ lệch.

Làm việc với tôi, các bạn nhân viên hiểu rằng, một khoảng cách (space) đúp giữa hai chữ trong văn bản là thừa, và từ sau dính vào dấu chấm, dấu phẩy phía trước nghĩa là thiếu; hai tấm ảnh ngang nhau trên một slide PowerPoint mà không ngay hàng thẳng lối là không chấp nhận được. Có thể, sự cầu toàn này không làm cho văn bản hay bài thuyết trình hay hơn, nhưng đó là thái độ trách nhiệm với mỗi điều mình làm.

Ngày bắt đầu in tạp chí Đẹp, tôi rải báo nằm ngay cạnh máy in, tự tay ký bản, phê duyệt từng trang in. Mỗi đợt chỉnh mực xong, người thợ đưa cho tôi một cái kính lúp bé xíu, soi từng cm2 trên trang báo. Một dấu chấm nghĩa là lô in có sạn, một đường vân mờ nghĩa là dầu in chưa chuẩn, sắc đen chưa thắm long lanh là chưa đủ sắc độ sâu… Dần dà, người thợ in hiểu ý, tự kiểm duyệt đến mức tuyệt đối mới kêu tôi dậy ký bài. Tự anh ấy đẩy mình đến mức hoàn hảo, và đó là lý do tạp chí Đẹp luôn được in đẹp nhất.

Tôi có một đối tác người Hong Kong. Anh ta siêu khó tính. Làm event với anh ta, quân tôi mất ngủ, căng thẳng, bực bội, vì anh ta kỹ từng chi tiết nhỏ. Chúng tôi tổ chức một sự kiện cho SYM ở nhà thi đấu Phú Thọ, dựng một mô hình toà nhà 3D lên, anh ta ngắm nghía hậu cảnh và nói: “Vinh à, công trình của chúng ta rất đẹp, nhưng mấy toà nhà đang thi công phía xa kia làm xấu hết cả.

 Chúng ta nên dựng một tấm vách che nó đi.” Nói là làm, cái vách ấy không nằm trong scope of work mà chúng tôi cam kết với khách hàng. Ở giữa sân là một cái mô hình tháp Big Ben cao 8 mét, dưới chân không có gì cả. Nhưng anh ta cho rằng, để cái tháp trơ trọi vậy rất xấu, ta nên thuê hoa phủ kín chân tháp cho đẹp. Và chúng tôi tốn thêm mớ tiền, làm cái điều dĩ nhiên không có trong thoả thuận với khách hàng. Dĩ nhiên, chúng tôi thoả mãn với sự hoàn hảo, cho dù chưa chắc khách hàng đã nhận ra điều đó.

Vốn dĩ chúng ta rất dễ thoả hiệp với chất lượng mình có. Nhiều người thường phẩy tay, “ở Việt Nam ấy mà”… và coi sự chưa hoàn hảo như một lẽ thường tình. Như thế, chúng ta đã bỏ mất cái cơ hội thách thức chính mình vượt qua cái giới hạn tự mình đặt ra đó.

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

VINFAST SẼ THÀNH CÔNG?

Đối với nhiều người Việt, Vinfast chỉ có thể thành công nếu sản xuất được các dòng xe hơi nhắm vào nhu cầu phổ thông (xe sedan, xe SUV) với giá thành hợp lý/rẻ. Vậy nếu Vinfast chọn phân khúc cao cấp thì sao? Và sản xuất xe với giá thành hợp lý có dễ trong thực tế hiện nay?

Trước hết, về thị trường, có quá nhiều con số thống kê cho thấy bình quân tỷ lệ ô tô trên 1000 dân ở VN còn quá thấp. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường là không phải bàn cãi. Vậy đâu là phân khúc đang khát mua xe và có khả năng chi trả nhất? Nổi bật lên là tầng lớp tri thức trẻ (25-40t) khá giả, thu nhập tốt nhờ sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế VN trong những năm gần đây.



Lượng khách hàng tiềm năng này đang ngày càng đông kéo theo nhu cầu sở hữu ô tô gia tăng đáng kể. Họ tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp lớn trên cả nước. Câu hỏi giờ đây là, thế hệ này sẵn sàng chi trả bao nhiêu để sở hữu 1 chiếc ô tô lần đầu tiên trong đời họ?

Trong khi đó giá ô tô đang ngày càng rẻ, các sedan hạng C chỉ từ 600tr và sedan hạng D cũng chỉ bắt đầu với giá hơn 800tr. Các phân khúc đủ tốt để người sử dụng trải nghiệm lần đầu có thể đặt niềm tin.

Vì những lý do này, phải nói rằng 1 thương hiệu mới ra nếu lựa chọn phân khúc cao cấp (> 1tỷ) thì gần như nắm chắc phần thất bại. Với tính cách ăn chắc mặc bền của dân Việt, sẽ không có nhiều người dám bỏ hơn 1 tỷ để làm chuột bạch cho một sản phẩm chưa được kiểm chứng. Hơn nữa, lựa chọn dòng xe cao cấp để bắt đầu, đồng nghĩa với việc Vin tự thu hẹp phân khúc khách hàng của họ. Vinfast sẽ chết nhanh chóng bởi sự tự tin thái quá.

Thế còn sản xuất xe với giá thành hợp lý có dễ? Muốn giảm giá thành, không gì khác phải cắt giảm chi phí bao gồm: linh kiện phụ tùng lắp ráp, chi phí sản xuất, tăng năng xuất lao động...

- Để giảm giá đầu vào phụ tùng linh kiện, cần có 2 yếu tố: 1-tỷ lệ nội địa hoá phải cao; 2-lượng đặt hàng phải đủ lớn

- Để cắt giảm chi phí sản xuất, đòi hỏi dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, tự động hoá cao, mô hình quản lý tiên tiến, quản trị chặt chẽ hoạt động...

- Để tăng năng suất lao động, đòi hỏi tối ưu hoá dây truyền sản xuất, con người được đào tạo có tính chuyên môn hoá cao, ứng dụng sâu các phần mềm hỗ trợ quản lý doanh nghiệp...

Nguyên lý của sản xuất là sản lượng càng lớn thì giá thành càng giảm. Có nghĩa là, Vinfast phải dự báo đúng nhu cầu thị trường, tính toán sản lượng tiêu thụ đảm bảo ở mức đủ lớn nhằm tiệm cận mức chi phí cận biên.

Thêm nữa, để tăng hiệu quả hoạt động, Vinfast không được phép đa dạng hoá sản phẩm (ít nhất trong giai đoạn đầu) vì nếu đi ngược lại điều này sẽ làm tăng chi phí quản lý và đội giá thành sản phẩm nếu lượng bán ra của mỗi dòng xe không nhiều.

Trước những thách thức này, có thể nói Vinfast sẽ phải giải quá nhiều bài toán cùng lúc để có được chiếc xe giá thành tốt. Trong khi đó, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, năm 2018 xe nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ là 0%, giá xe nhập khẩu sẽ giảm mạnh. Vinfast khi đó sẽ không chỉ phải cạnh tranh với các nhà lắp ráp trong nước như Thaco, Trường Hải, Toy... mà còn phải đối mặt với các nhà phân phối xe nhập khẩu. Áp lực cạnh tranh là vô cùng khốc liệt.

Chờ xem...
PS: Bài phân tích dưới góc nhìn cá nhân.