Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

30 CÁCH TỰ ĐỘNG VIÊN MÌNH

Các bạn inbox hỏi làm sao tạo động cơ cho cá nhân. Câu hỏi tuyệt vời! Chúng ta là con người chứ đâu phải một cái máy được lập trình. Máy mà còn bị virus hay bug… Con người chịu nhiều ảnh hưởng và chi phối của cảm xúc. Tuy nhiên, nếu ta hiểu mình và biết cách vận dụng những kỹ thuật tạo động cơ cho bản thân thì ta có khả năng điều khiển bản thân tốt hơn, chứ không bị ngoại cảnh điều khiển mình. 
Tôi xin chia sẻ 30 cách giúp các bạn tạo động cơ nhanh cả đường ngắn và đường dài. Cái list này bắt đầu từ những hành động ngắn hạn tức thời, cho đến những hành trình lâu dài. Đây giống như một cái buffet menu, các bạn tự chọn điều gì thích hợp cho mình trong từng tình huống cụ thể:
1. Nhấm nháp một ly cà phê dưới ánh nắng buổi sáng.
2. Viết ra một cái to-do list. Những việc phải hoàn thành trong ngày.
3. Đi bộ một vài vòng trong công viên, hàng xóm.
4. Ngủ một giấc dài qua đêm không kiểm tra mạng xã hội.
5. Ngủ trưa khoảng 30 phút.
6. Vận động thân thể, tập thể dục vào buổi sáng. Hoặc sau khi đi làm về.
7. Thức dậy và tắm bằng nước thật lạnh.
8. Nghe một bản nhạc đầy năng lượng mà bạn yêu thích.
9. Đọc, nghe một điều gì đó tạo năng lượng tích cực cho bạn.
10. Dán những câu nói tạo động viên, truyền lửa của những tác giả mà bạn ngưỡng mộ chung quanh nơi bạn làm việc.
11. Dọn dẹp, tổ chức nơi làm việc có hệ thống, trật tự và vệ sinh.
12. Ăn mặc theo cách thức như thể bạn đã thành công. Bạn muốn bạn là ai thì hãy bắt đầu ăn mặc theo phong cách của cá nhân mà bạn muốn trở thành đó.
13. Bắt đầu bằng một việc gì đó nho nhỏ, đừng quá to lớn làm mình choáng và mất động lực.
14. Đọc sách viết về ký ức của những nhân vật vượt khó, vượt khổ và thành công.
15. Thử làm một điều gì đó mới lạ mà mình chưa bao giờ làm trước kia.
16. Đi đến một nơi mới lạ mà bạn chưa từng đến.
17. Động viên và giúp đỡ người khác. Khi bạn động viên người khác thì bạn tự động chấn chỉnh tinh thần tự động viên của chính cá nhân mình.
18. Tự nguyện tham gia ủng hộ các đoàn thể, đội nhóm thích hợp với lý tưởng của mình. Ví dụ: Một số bạn vừa rồi tham gia “ cứu chuối nghĩa tình”, tôi cam đoan rằng dù cực khổ mấy nhưng các bạn rất hạnh phúc và tràn đầy động lực.
19. Hồi tưởng lại ký ức đẹp nhất của mình, ký ức đỉnh cao của cá nhân mình.
20. Đặt ra mục tiêu, và đặt ra hệ thống khen thưởng cho các nhân nếu đạt được từng mục tiêu.
21. Thúc đẩy cá nhân một tí. Bắt đầu làm một điều gì đó ngoài vùng an toàn của mình một tí xíu.
22. Kêu gọi những người có đồng chí hướng, sở thích… củng tham gia thực hiện một dự án, ý tưởng gì đó của bạn, hay cùng học chung với bạn.
23. Xây dựng thói quen hữu hiệu giúp tự động hóa các hoạt động và hành vi mang lại giá trị và đóng góp cho mục tiêu của bạn. (đã lên sóng video và bài viết này)
24. Luyện tập ý chí giống như luyện tập cơ bắp mỗi ngày (sẽ có video và bài viết này cho các bạn)
25. Luyện tập sự tập trung trí não (đã lên sóng video này)
26. Sợ thì sợ, làm cứ làm! Giống như đà và quán tính, một khi bạn bắt đầu thì động cơ sẽ đi theo. ( đã lên sóng video và có bài viết này)
27. Khi thất bại hay vấp ngã, thì hãy hiểu nổi đau… sự chùn lòng là cảm giác rất con người. Hãy tự nhiên bày tỏ sự thất vọng, đau đớn… chứ đừng quá kiềm hãm nó. Tuy nhiên, dùng kỹ thuật để lướt qua nó nhanh để tiếp tục đứng lên mà đi (đã lên sóng video này).
28. Tham gia một thử thách nào đó trên mạng hay cùng với cộng đồng hay đồng đội. Ví dụ: hoàn tất chạy 100 dặm trong 30 ngày; hoàn thành viết một quyển sách theo chủ để mình chuyên môn trong 3 tháng; đạt doanh số $$$ trong 7 ngày…
29. Đặt ra một mục tiêu gì đó mà cao cả hơn chính bản thân mình. Làm một điều gì đó không phải cho bản thân, mà cho cha mẹ, con cái, gia đình, cộng đồng, tập thể, quê hương.
30. Đừng so sánh mình với người khác. Hãy tự so sánh và cạnh tranh với chính bản thân mình. Phiên bản Lan 2.0 phải tốt hơn Lan 1.0; và dĩ nhiên phiên bản Lan 3.0 phải tốt hơn Lan 2.0; và phiên bản Lan 4.0 phải uber-super hơn 3.0 vì phiên bản Lan 4.0 có ứng dụng công nghệ cao.
Lan Bercu
Tác giả 36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại
Nhà sáng lập Lanbercu TV

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Tổng hợp những trang hay

[GÓC CHIA SẺ] 
1. Mẫu quảng cáo facebook:
http://www.mauquangcao.com/ (cực hay, nhưng hiện tại k mấy khi update)
2. Làm infographic: 
http://piktochart.com/
3. Làm banner web
http://bannersnack.com/
4. Làm facebook post, cover, poster...
http://canva.com/
http://www.uplevo.com/get-started (cái này mình được giới thiệu nhưng không thích xài lắm vì hình không đẹp bằng canva)
5. Làm thư viện ảnh, slide, clip ngắn:
http://slide.ly/
(làm trong powerpoint hoặc prezi cũng được, nhưng hình ảnh bên này đẹp hơn)
6. Video, clip ngắn, introduction (phải tốn 5$ để mua)
http://fiverr.com/
7. Làm clip animation đơn giản
https://www.moovly.com/
8. Làm video ngắn - slide trình bày.
https://spark.adobe.com/
9. Icon nhỏ xinh cho các slide thuyết trình, infographic
http://freepik.com/
10.Làm video intro
https://flixpress.com
Làm video ngắn có chèn hình, video, nhạc, text, nhiều hiệu ứng đẹp: https://studio.stupeflix.com/en/create/
11. Làm ảnh GIF ( CỰC HAY)
http://giphy.com/

BẠN BỊ BÍ Ý TƯỞNG VIẾT QUẢNG CÁO . BẠN HÃY XEM MẸO VIẾT BÀI DƯỚI ĐÂY.

(Mẹo này đã giúp Thuận tăng doanh số lên gấp 13 lần)
.
== Hãy Viết Như Đang Viết Thư Cho Một Người Bạn ==
.
Hãy viết bài quảng cáo giống như bạn đang viết một bức thư cho một người bạn. Tạm thời hãy quên đi có hàng triệu người sẽ đọc nó. Ý nghĩ về đám đông sẽ gây áp lực rất lớn tới văn phong, tới khả năng chém gió của bạn.
Nhưng bạn ơi, bạn nên nhớ sẽ chỉ có một người đang đọc bài quảng cáo của bạn thôi
Vì vậy, hãy xem như bạn đang viết thư cho một người bạn thân. Hãy viết "Thủy thân mến, Tủn ơi, Lượm thân mến...v..v..". Sau đó kể cho Thủy tất cả mọi thứ bạn muốn cô ấy biết về Sản phẩm mới rất tuyệt vời mà bạn vừa khám phá bằng lời lẽ tràn đầy hứng khởi và nhiệt tình.
Sau đó biến bức thư của bạn thành một bài quảng cáo
( Mẹo này mình học được John Caples - huyền thoại quảng cáo thời 1960 )
===
( Ví dụ minh họa:
Chị Thủy ơi.
Em mới tìm thấy một sản phẩm này hay lắm, nó sẽ tống khứ đám mụn trên mặt chị chỉ trong 21 ngày. Dòng sản phẩm ABC trị mụn mới ra của công ty XYZ (Đức), được chiết xuất từ thiên nhiên, không có hóa chất độc lại, không bị bắt nắng, chưa hết...nó còn có thêm thành phần giúp chị dưỡng da ban đêm nữa đó chị.
Chị dùng thử một hộp nhỏ đi, trên diễn đàn ABC có 3560 chị văn phòng đang dùng và đánh giá tốt lắm đó chị.
Chị vô đây xem thêm và đặt thử nha : [ ĐƯỜNG LINK BẠN MUỐN RÓT KHÁCH HÀNG VÀO PHỄU BAN HÀNG ]
===
[ Ví dụ khác ]
ĐỒ BỘ THUN TRẺ EM TỪ 6th --> 1 tuổi
- Tay Dài Rất Ấm giúp bạn chở con yêu ra đường đi chơi mà không bị lạnh, bạn hoàn toàn tự tin chụp những bức hình Tự Sướng Kỷ Niệm của gia đình.
- Mẫu Mã đẹp, mặc ra đường được nhiều người chú ý vì con bạn dễ thương mà. Hihi
- Chất liệu thun 100% cotton 2 chiều rất Thoải Mái : Con bạn sẽ được vui chơi thỏa thích mà không nóng nực bực bội
=======
BÀI TẬP THỰC HÀNH :
Bạn hãy thử viết một đoạn cho chị của bạn ngay Comment bên dưới. Hãy chia sẻ cái hay của Sản phẩm mới của bạn
NÀO !!! HÃY BẮT ĐẦU NGAY BÂY GIỜ. HÃY THỰC HÀNH NGAY.
Lưu ý : Những lần đầu có thể bạn chưa quen nên bạn hãy hành động, hãy viết tới tấp, viết xong thử nghiệm và rút kinh nghiệm, rồi viết lại, từ từ sẽ quen và nâng cao tay nghề.
NÀO !!! HÃY BẮT ĐẦU NGAY BÂY GIỜ. HÃY THỰC HÀNH NGAY.
HÃY VIẾT THỬ MỘT LÁ THƯ CHO CHỊ CỦA BẠN NGAY COMMENT BÊN DƯỚI

BỨC ẢNH CON GÀ VỚI GIÁ 50 TRIỆU

Hay quy luật tập trung hay là chết trong chiến lược định vị thương hiệu
Anh đã từ chối chụp ảnh một con gà mà khách đặt chụp tại nhà với giá 50 triệu, 50 triệu không phải là số tiền nhỏ nhưng với định vị thương hiệu đã có sẵn anh sẵn sàng bất chấp nhưng dù sao nó cũng làm anh trăn trở mất vài hôm để đến quyết định cuối cùng, 50 triệu thật sự đáng phải suy nghĩ. Nó là cả mấy tháng làm việc vất vả, nó là cả một cái xe máy hay có thể mua một cái tivi xịn bậc nhất để vợ chồng anh phe phẩy quạt mát xem phim hd.
Bao đêm trằn trọc không ngủ anh muốn xuôi tay chụp cho xong rồi lấy tiền nhưng lại nghĩ về đạo đức nghề nghiệp, nghĩ về chiến lược định vị thương hiệu mình đã và đang xây dựng, ko lẽ vì 50 triệu chụp con gà mà lại bỏ đi cả tâm huyết cả đời, bỏ đi cái định vị đang dẫn đầu, Nhớ lại những ngày đầu ý định bỏ việc theo nghề nhiếp ảnh thương hiệu, Anh đã cãi bố, cãi mẹ, cãi cả dòng họ để theo đuổi nó, bỏ cả nghề quản lý trong hàng không Việt Nam lương tháng cao ngất để tự ra xây dựng cơ nghiệp mới này.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, sáng sớm dậy thật sớm, anh mặc đồ thật lịch lãm và cầm theo mấy ảnh, trang bị pin đầy đủ...không thể để vợ mình cứ xem cái tivi cũ mãi. Không thể 50 triệu rơi vào tay thằng khác được, việc gì phải cứng nhắc như thế. Định vị thì định chứ việc quái gì mà cứ giữ nó, dẫn đầu định vị thương hiệu thì thỉnh thoảng lệch pha tí có sao. Biết đâu chụp gà đẹp lại dẫn đầu thêm định vị chụp gà nổi tiếng số 1 thế giới. Chả gì mà nghĩ nhiều thế.
Anh đến gặp khách hàng, uống trà, tầm ngâm, ngắm con gà tre tuyệt đẹp và nghe khách tâm sự về cuộc đời kinh doanh gà tre của mình: Ông kể Ông là người nuôi gà Tre nức tiếng bậc nhất làng, ai cũng gọi Ông là Hải gà Tre, Ông chỉ có duyên nuôi gà Tre tự nhiên, cả làng nuôi gà khác và gà công nghiệp lung tung bán được nhiều tiền và nhàn. Nhưng Ông chỉ chọn gà Tre, vì Ông hiểu rằng cả nước tìm đến Ông vì từ gà Tre chứ không phải gà gì khác. Nếu Ông chỉ cần nuôi một con gà khác trong chuồng thì Ông sẽ mất tất cả. Từ đó quanh năm Ông bán gà tre và giờ ai cũng gọi Ông là triệu phú gà Tre.
Nghe đến đây, tự nhiên anh giật mình, có gì đó chạm vào tim anh đau nhói, trầm ngâm, Anh đến gần, bắt tay và ôm vị khách thật lâu, anh nói:
Tôi thành thật xin lỗi, tôi là dân chuyên chụp ảnh thương hiệu (brand photography), tôi chỉ chụp ảnh thương hiệu và tôi dẫn đầu trong định vị này. Gà không phải là sở trường của tôi. Tôi có thể giúp anh chụp vì anh yêu nó chứ tôi nhất quyết ko lấy 50 triệu. Vì tôi không phải là thợ chụp gà. Bức ảnh duy nhất tôi chụp cho Ông là Ông và con gà của Ông chứ không phải mình nó.
Một thời gian sau:
Một bức ảnh thật đẹp về Gà tre và Ông chủ được treo trịnh trọng trong nhà lưu niệm của làng Ông đã được anh chụp dưới được ký tên: Tặng thương hiệu gà Tre số 1 Việt Nam.
Chúng ta ai cũng một lần phải đối mặt với những suy nghĩ về con gà 50 triệu. Liệu nên tiếp tục tập trung vào sức mạnh định vị hay cứ thấy lời trước mắt là làm và để mất định vị và vị thế của mình so với đối thủ. Một bài học đơn giản nhưng rất khó đối với ai đã và đang trên đường kinh doanh.
Luôn nhớ rằng, quy luật sẽ là quy luật
“Hãy luôn giữ vững tinh thần tập trung mục tiêu định vị thương hiệu nếu không bạn sẽ chết và thất bại ”.
Khi bạn lung lạc ý trí không tập trung, hay nhớ câu truyện nhiếp ảnh thương hiệu và con gà tre này nhé.
Chúc mọi người thành công
Phạm Thanh Hạt

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

CHIẾN LƯỢC KHÔI PHỤC HÌNH ẢNH THƯƠNG HIỆU - Bài 1

Trong một cuộc khủng hoảng, dư luận hay căn cứ vào mức độ trách nhiệm / lỗi của các bên liên quan để lựa chọn thái độ phản ứng. Các mức độ trách nhiệm bao gồm một thang chia độ từ hoàn toàn không có lỗi đến hoàn toàn có lỗi. Do đó, các nhà nghiên cứu xử lý khủng hoảng cũng dựa vào thang chia độ đó để đưa ra các chiến lược xử lý tương ứng. Nổi bật là Benoit với mô hình Khôi phục hình ảnh thương hiệu trong xử lý khủng hoảng truyền thông.

Bài 1 này sẽ mổ xẻ chiến lược đầu tiên: PHỦ NHẬN HOÀN.
Chiến lược này áp dụng khi doanh nghiệp hoàn toàn không có lỗi, hoàn toàn vô can trong cuộc khủng hoảng. Ở đây có 2 cách ứng xử: 1) Phủ nhận hoàn toàn rằng mình chả có lỗi gì cả và chứng minh sự vô can của mình; và 2) Chuyển hướng buộc tội, khi người buộc tội tố giác sai đối tượng, và mình giúp chỉ rõ người khác mới là người có lỗi, hành động gây ra thiệt hại, lỗi lầm là do người khác chứ không phải mình. Cách ứng xử thứ hai chỉ áp dụng khi mình biết rõ và có bằng chứng về việc người nào gây ra lỗi lầm, và chỉ thật sự cần thiết mới áp dụng, khi việc không chứng minh sự vô can của mình có thể khiến mình lún sâu thêm vào khủng hoảng và bị hiểu nhầm, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu của mình.
Trong bất kỳ tình huống nào thì doanh nghiệp đều cần phản ứng rất nhanh để hạn chế tối đa sự lây lan khủng hoảng. Tối ưu nhất là trong vòng 2 tiếng kể từ khi phát sinh một sự cố (trigger event) làm lây lan khủng hoảng.
Hồi xưa khi Hưng còn làm CSR cho Coke, đã từng chứng kiến một cuộc xử lý khủng hoảng truyền thông cho Coke do anh Lê Văn Khôi là sếp PR Manager của mình thời bấy giờ thực hiện, áp dụng đúng chiến lược Phủ nhận hoàn toàn này. Chuyện như sau:
Năm 2007, báo Tiền Phong bất ngờ đăng một bài viết tố cáo nhà máy đóng chai nước cam ép có tép Splash lúc đó của Coca-Cola Việt Nam để cho hàm lượng cao chất clo còn lưu lại trong vỏ chai sau quá trình súc rửa. Phóng viên viết bài này còn giữ được vài sản phẩm mẫu “dính chàm”. Thật là một tin động trời đối với một sản phẩm mới ra lò và đang trong quá trình làm quen với thị trường vào lúc đó, và phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của Twister của Pepsi.
Thế là Giám đốc Quan hệ công chúng và Giám đốc Kỹ thuật của Văn phòng đại diện CCSAI (The Coca-Cola Southeast Asia Inc.) họp nội bộ gấp. Họ phát hiện ra sơ cở trong cáo buộc của phóng viên là cái chai nước cam “tang vật” được chụp hình trên mặt báo vẫn còn nguyên màu vàng tươi của cam ép. Thế là họ nhất trí chiến lược ứng phó là phủ nhận hoàn toàn.
Sau đó, CCSAI yêu cầu triệu tập cuộc họp 3 bên giữa Coke, báo Tiền Phong và Bộ Y tế. Tại cuộc họp, Coke đã vạch trần sơ hở trong cáo buộc của phóng viên báo Tiền Phong, rằng nếu có mặt chất clo trong nước cam thì không thể nào nước cam còn nguyên màu vàng, mà sẽ đổi màu thành trong suốt. Bên cạnh đó, Coke còn trưng ra một nùi các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình súc rửa, cùng với các chứng từ tiêu chuẩn an toàn cao nhất.
Thế là báo Tiền Phong đuối lý, Bộ Y tế nghiên về “phe” Coke. Ba bên nhất trí là sau đó báo Tiền Phong sẽ đăng một bài báo đính chính ngay thông tin sai lạc của bài báo trước.
Và, vậy là Coke chiến thắng! Chiến thắng khi họ nắm chắc cơ sở lập luận và phản bác bên cáo buộc một cách thuyết phục.
Trong bài báo đính chính, báo Tiền Phong đã chữa thẹn bằng cách vu cho… thằng đánh máy. Họ viết là: đáng ra phải ghi chất clo là “Chloride” (tức muối clorua kết tủa – chất này thì tương đối vô hại và hầu như có mặt khắp nơi trong các phụ gia thực phẩm được phép sử dụng của Liên minh Châu Âu, chẳng hạn canxi clorua) mà thằng đánh máy lại viết thành “Chlorine” (tức là clo nguyên chất – có hại cho sức khỏe).
Mãi về sau này và cho đến tận bây giờ, mình vẫn nhớ như in bài học xử lý khủng hoảng đầu đời, với chiến thắng thật ấn tượng của Coke, mà sếp sòng trong vụ này là anh Lê Văn Khôi, sếp PR của mình lúc đó.
(Còn tiếp...)

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

[KHỞI NGHIỆP KHI ÍT VỐN]

Ông già KFC xây dựng đế chế Gà rán của mình chỉ với 105 USD ban đầu để thấy bạn không thể lấy lý do “KHÔNG CÓ TIỀN” biện minh trì hoãn khởi nghiệp.
Đời không như mơ nhưng chúng ta có thể KHỞI NGHIỆP ÍT VỐN theo cách sau:
(1) TỐI THIỂU HOÁ VỐN CẦN THIẾT BAN ĐẦU. Thay vì cần VỐN rất lớn để mua nguyên vật liệu, thuê quán, thuê người, mua website khiến việc Startup khó thực hiện thì ông khéo léo tận dụng khoai tây sẵn có, bắt đầu từ quy mô rất nhỏ, bán cho hàng xóm trong khu phố trước. Có 1 bạn khác có ý định bán nước quả SẠCH cũng nói cần VỐN để bắt đầu là 500 triệu, sau một hồi trò chuyện bạn dần tự loại bỏ các chi phí không cần thiết từ cửa hàng trên phố, phòng pha chế và trăm thứ khác, cuối cùng chỉ cần ít tiền mua hoa quả, bạn có thể bắt đầu startup bán cho nhóm bạn của chính mình trên FB trước => Hãy tập trung TIỀN vào những vấn đề CỐT LÕI.
(2) WIN-WIN TRAO ĐỔI DỊCH VỤ. Bạn cần logo? thay vì mất tiền thuê thiết kế, nếu bạn giỏi marketing, hãy đi tìm người giỏi thiết kế logo đang làm startup đề nghị giúp họ làm marketing đổi lại bạn sẽ có cái logo đẹp. Tôi tin chắc kiểu gì bạn cũng xuất sắc trong một lĩnh vực nào đấy, với bạn là bình thường nhưng lại rất giá trị với người khác. Tôi đã từng đổi vài giờ tư vấn để được 1 bộ logo rất rất đẹp :)
Bằng cách này bạn sẽ loại bỏ được rất nhiều chi phí giúp tối thiểu hóa VỐN CẦN THIẾT ban đầu để khởi nghiệp.
(3) CHIA NHỎ SỐ VỐN KÊU GỌI TỪ 1 NGƯỜI. Sau khi loại bỏ các chi phí rườm rà, giả sử bạn THẬT SỰ CẦN 100 triệu để làm. Sẽ rất khó để bạn thuyết phục 1 người cho đầu tư 100 triệu, nhưng sẽ dễ hơn nếu bạn thuyết phục 1 người đầu tư 10 triệu khi bạn đã có 90 triệu rồi. Bạn cần thuyết phục được họ tin rằng bạn sẽ thành công chỉ cần thêm 1 chút giúp sức từ họ. Tuy nhiên họ tin hoặc giúp hay không phụ thuộc vào TƯ CÁCH, PHẨM CHẤT và UY TÍN của bạn. Tôi tin rằng nếu bạn giúp 100 người khác thì thể nào cũng có ít nhất 1 người giúp bạn. Hãy CHO ĐI, bạn sẽ nhận được lại từ một ai đó khác, cái gì đó vào lúc nào đó. TÔI RẤT TIN điều này, đã áp dụng và có kết quả.
Startup cần rất nhiều thứ, nếu VỐN là trở ngại của bạn hy vọng bài viết giúp ích được bạn. Chúc bạn thành công.
Lê Văn Thành

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

4 GIAI ĐOẠN MARKETING CHO KHỞI NGHIỆP

Đối với các khởi nghiệp, việc ổn định hoạt động marketing để phát triển là rất quan trọng. Thông thường sẽ trải qua 4 giai đoạn cơ bản
Giai đoạn 1 : Đơn mục tiêu, đơn kênh.
Nôm na là chỉ quảng cáo bán hàng trên một kênh hiệu quả nhất ( thường là facebook hoặc adword với các ngành có lượng search cao). Đây cũng là giai đoạn đầu của khởi nghiệp, lúc này doanh nghiệp cần bán được hàng trước tiên để có tiền duy trì doanh nghiệp. Do vậy ở giai đoạn này chỉ cần chọn một kênh bán hàng thật tốt, thường là facebook ads, lựa chọn và tối ưu nhóm khách hàng phù hợp nhất. Các kĩ thuật lựa chọn nhóm quảng cáo thì có rất nhiều trên mạng, tuy nhiên quan trọng hơn vẫn là kĩ thuật để viết những bài copywriting ( quảng cáo bán hàng trực tiếp) thật suất sắc. Khi một bài quảng cáo tốt, tỉ lệ chốt đơn sẽ tăng cao.
Như vậy giai đoạn này chỉ tập trung việc bán hàng đơn kênh, cho tới khi lượng bán tăng đến giới hạn và không tăng trưởng nhiều nữa. Bắt đầu bước sang giai đoạn tiếp theo
Giai đoạn 2: Đơn mục tiêu, đa kênh
Ở giai đoạn này, các hoạt động quảng cáo đơn kênh sẽ tiệm cận tới giới hạn. Nếu có tăng thêm tiền thì cũng không làm doanh số tăng theo tỉ lệ tương ứng. Lúc này cần kết hợp đa kênh để phục vụ mục tiêu bán hàng. Đây là lúc sử dụng tổng thể các kênh truyền thông tích hợp với nhau (IMC) nhằm gia tăng hiệu quả: website, quảng cáo facebook, quảng cáo adword, quảng cáo remarketing, hoạt động POSM...
Giai đoạn này cần tập trung đo lường hiệu quả marketing từ các kênh khác nhau nhằm đánh giá thị trường, hiểu insight khách hàng để từ đó chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo
Giai đoạn 3: Đa mục tiêu, đa kênh
Đến đây, doanh nghiệp đã phát triển tới một giai đoạn nhất định, có nhiều nguồn lực hơn, thị trường cạnh tranh hơn và cũng cần xây dựng phát triển mạnh mẽ hơn. Do vậy nhiệm vụ marketing không chỉ có mục tiêu bán hàng cho khách hàng tiềm năng, mà còn có nhiệm vụ truyền thông thương hiệu, nhiệm vụ gợi tạo nhu cầu cho khách hàng mới, nhiệm vụ xây dựng lòng trung thành cho khách hàng cũ hay chăm sóc khách hàng...Do vậy các kênh marketing sẽ đa dạng hơn và phức tạp hơn rất nhiều. Tùy vào nguồn lực doanh nghiệp và sự cạnh tranh thị trường mà xây dựng kế hoạch marketing cho phù hợp
Giai đoạn 4: Marketing có chiến lược, concept
Thực hiện tốt giai đoạn 3 rồi, hoạt động sẽ đi vào giai đoạn 4, các hoạt động marketing không chỉ đơn thuần là chạy kênh đơn giản, mà lúc này đòi hỏi cần có những campaign hay, hấp dẫn, mang lại hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy lúc này marketing đánh còn có bài hơn, tức là cái nào đánh trước, cái nào đánh sau, tỉ trọng các hoạt động, campaign có big idea, sẽ xuyên suốt và nhất quán.
Giai đoạn này đòi hỏi doanh nghiệp phải có phòng marketing chuyên nghiệp, và tốt nhất là đã thực hiện rất tốt các giai đoạn trước.
Trên đây là 4 giai đoạn marketing cho các khởi nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng như vậy
Đỗ Thắng
CEO Học viện Plato
CEO INSO marketing- phòng marketing thuê ngoài đầu tiên tại VN

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

CHIẾN LƯỢC DOANH NGHIỆP & LÝ DO THẤT BẠI Ở VIỆT NAM

Nhiều người bạn tài giỏi của tôi rất cầu tiến, thường xuyên trau dồi những kiến thức và mô hình quản trị tiên tiến. Tôi dù không đủ thông minh, nhưng cũng dành thời gian để đọc và suy ngẫm. Những tri thức ấy cực kỳ cần thiết cho những người điều hành doanh nghiệp chúng ta.
Nhưng qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy không phải mô hình hay kiến thức nào cũng phù hợp để áp dụng ở Việt Nam, đặc biệt là các mô hình phân tích và quản trị chiến lược.
Dù đã được đúc kết, trui rèn và khẳng định trên khắp thế giới nên mức độ xác tín khoa học rất cao nhưng khi áp dụng vào Việt Nam thì chúng lại thường không cho kết quả như ý. Nhưng không phải là vì chúng “tệ hại", mà do chúng ta “đặc thù".
Vậy tại sao chúng ta không phù hợp:
1. Nền kinh tế và xã hội của chúng ta không vận hành theo quy luật:
(a) mà theo các mệnh lệnh hành chính: những nhiệm kỳ ngắn ngày, các chủ trương và chính sách ngắn hạn không đủ độ ổn định để chúng ta trồng cây ăn trái lâu năm. Chưa nói đến việc là các chủ trương/chính sách ấy đã khoa học, hợp quy luật hay chưa, mà đa phần trong số chúng (nếu không bị tác động bởi các nhóm thân hữu) thường phục vụ các mục tiêu chính trị - xã hội hơn là kinh tế (kể cả khi đó là chính sách kinh tế).
(b) mà theo con người (quan điểm, năng lực, lợi ích, cảm xúc của người có quyền): điều này làm cho các doanh nghiệp phải “hướng quan hệ” thay vì “hướng giá trị” hay “hướng hiệu quả”.
2. Mô hình phân tích nào cũng dựa trên các thông tin đầu vào. Nhưng chúng ta lại không có được điều đó:
(a) các số liệu thống kê của chúng ta thì ai cũng biết là không chính xác. Số liệu của nhà nước thì thôi rồi, số liệu mua từ các công ty NCTT thì những người đã dùng nhiều rồi sẽ hiểu, còn số liệu tự thống kê/phân tích thì bị hạn chế bởi năng lực nhân sự và tính khách quan của những người có liên quan đến quá trình thống kê phân tích đó. Tôi đã từng thấy số liệu được giảm xuống 27 lần để dụ công ty khoán việc thu phí giao thông BOT ra ngoài thay vì tự làm. Và trường hợp tăng gấp hơn 10 lần lưu lượng xe để làm một dự án mới thay vì hủy từ đầu vì không đủ hiệu quả.
(b) những thông tin đầu vào cho các mô hình lại không ổn định và khó tin đoán. Chả mấy ai biết chính xác tỷ giá, lãi suất ngân hàng, mức thuế... của tương lai trừ những người thân với những người làm chính sách. Mà những người đó thì lại chả cần phân tích để làm gì.
3. Quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam cũng thường không đủ lớn (không quá 20 doanh nghiệp đủ quy mô để làm chiến lược một cách căn cơ). Địa bàn Việt Nam lại trải dài và phân mảnh với các nhóm khách hàng, nhà cung cấp và chính quyền địa phương có đặc thù rất khác nhau.
4. Năng lực quản trị và tính chuyên nghiệp của quản lý cấp cao và cấp trung là không đồng nhất, không cao. Điều này dẫn đến hai hậu quả:
(a) chủ doanh nghiệp có tiếng nói quá mạnh trong việc xây dựng chiến lược, thiếu mức độ phản biện cần thiết và
(b) các chiến lược doanh nghiệp bị vô hiệu hoá từ từ khi chúng ảnh hưởng đến lợi ích của một nhóm cụ thể nào đó trong doanh nghiệp.
5. Tâm lý Phù Đổng thay vì Phù hợp và nhiệt tình nhưng không đủ đeo bám, sâu sát và chịu nhiệt của lãnh đạo doanh nghiệp làm các chiến lược không đủ thời gian để đơm hoa, kết trái.
Vì những lý do khách quan, hồn nhiên và dễ thương đó mà các mô hình rất tốt, rất khoa học của "thế gian" khi được áp dụng ở Việt Nam thường không cho những kết quả khả quan mà thường bị cho là tội đồ “gian thế”.
Vậy có phải là những mô hình ấy vô dụng hay tai hại hay không?
Cũng không hẳn vậy. Các mô hình giúp chúng ta nhìn được nhiều khía cạnh hơn của vấn đề, thẩm định lại các giả thiết và tăng mức độ trực quan - khả năng thuyết phục. Ứng dụng ra sao, ứng dụng như thế nào thì sẽ cần một sự tỉnh táo, kinh nghiệm và sự khéo léo của những người sử dụng.
Hãy hình dung: chúng chỉ là công cụ, phương tiện, không là liều thuốc để chữa bệnh cho chúng ta.
Dùng một phần thôi, và dùng một cách cẩn thận.
Giống như cách chúng ta yêu vậy đó.
P/s: tôi thích cách anh Tran Kim Thanh trình bày trong các lớp CEO của chúng ta. Cần phải biết cách vận dụng đúng, chứ không phải thuộc lòng nhiều.

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

LIFE IS JUST A GAME! Cuộc Đời này Chỉ Là Một Trò Chơi!

Đôi lúc, để chiến thắng, ta nên xem cuộc đời này như một trò chơi. Life is just a game! Trong đó, ta có thể đổi luật chơi, tìm chiến lược chiến thuật để chơi, chơi càng nhiều thì càng giỏi, càng chơi thì khả năng thắng càng cao.
--- Jason Comely nhút nhát, bị vợ bỏ đi theo một anh chàng đẹp trai hơn, có nhiều tiền hơn. Anh là một kỹ thuật viện IT vi tính ở Ontario Canada. Công việc càng ít cho anh cơ hội tiếp xúc với người. Sau nhiều sự cố thật bại, anh lại càng khép kín, và tránh né tiếp xúc với người, đặc biệt là phụ nữ.
Nhưng một hôm, khi bị giam cầm trong cái lao tù tăm tối cô đơn và buồn chán. Anh không có nơi nào để đến, không một người bạn để đi cùng… và anh bật khóc. Anh vùng dậy và tự hỏi: “Không thể sống như vầy. Cái mấu chốt vấn đề là mình sợ bị người khác chối từ một lần nữa.”
Và anh chợt nhớ đến phương pháp huấn luyện Spetsnaz, một chế độ huấn luyện cho các sĩ quan cao cấp trong quân đội Nga. Một trong những bài tập như sau: một sĩ quan bị nhốt chung với một con chó dữ trong một căn phòng tối không có cửa sổ. Anh ta được trang bị duy nhất một cái xẻng. Nhiệm vụ: chỉ một trong hai được thoát khỏi căn phòng kín đó —hoặc con chó, hoặc anh chàng sĩ quan Spetsnaz.
Anh nghĩ hoàn cảnh của mình cũng thế— hoặc thoát ra khỏi cái phòng tăm tối này và sống một cuộc sống thành công hạnh phúc, hoặc chết trong thật bại u sầu ngay tại đây. Và lúc đó anh có động lực đối diện và tìm ra phương pháp chữa tâm lý cho mình. “À, hay là mình chơi game?” Nói cho cùng thì cuộc đời này chỉ là một cái game mà thôi.
Và anh bước ra, tự đưa chỉ tiêu: mỗi ngày phải bị từ chối ít nhất 10 lần. Anh xin quá giang; anh xin giảm giá; bắt chuyện với một người lạ; xin người lạ một điếu thuốc… và dần dần anh tiếp tục những điều táo bạo hơn. Anh vào ngân hàng xin mượn tiền lãi xuất cực thấp, thuyết phục khách sạn cho ở phòng miễn phí, bắt đầu bắt chuyện với một cô gái thật đẹp. Nếu cô ta từ chối? Ồ thì đã sao!? Tiếp tục cô khác…
Trong chặng đường của cuộc chơi này, anh khám phá ra bao nhiêu điều thú vị — nhận được nhiều hơn là mất. Mà có gì mà mất? Nếu người khác chối từ thì đã sao? Quê à? Come on, life is just a game!
Phương pháp của anh đã giúp hàng triệu người trên thế giới vượt qua nhiều khó khăn về tâm lý, tài chánh và quan hệ.
Quá ấn tượng, tôi cũng thử trải nghiệm và cảm thấy vô cùng thú vị. Tôi tiếp tục cho hai con trai Josh và Levi thử nghiệm. Lúc đó Levi 6 tuổi. Tôi hỏi: “ Levi con muốn gì?” Levi nói: “ Con thích sưu tầm bộ đồ chơi ở McDonald’s”. Tôi giao Levi nhiệm vụ đi vào Mc Donald’s một mình- tự xử- muốn nói và xoay xở ra sao, miễn xin được món đồ chơi trị trá 1.45 đô miễn phí. Mỗi chiều tôi chở Levi đến Mc Donalds và đứng chờ phía ngoài bãi đậu xe. Có khi được có khi không, sau mỗi lần, Levi đều trở nên kinh nghiệm, nhạy bén và tự rút ra bài học “chiến lược” cho riêng mình. Sau một tuần, Levi trở thành “chuyên gia” đi xin đồ chơi mà không trả tiền. Có một lần, Levi bước ra cười khúc khích: “Mẹ ơi, hôm nay con không những được đồ chơi mà cô bán hàng còn cho con thêm cây kem sô cô la này.” Ngày hôm qua con bị từ chối vì có lẽ mình đến lúc đó họ đang bận rộn với quá nhiều khách hàng; có lẽ con quên cười thật dễ thương; có lẽ con quên nhìn thẳng vào mắt cô bán hàng; có lẽ…
Phương pháp này trở thành chính thống cho các bác sĩ tâm lý trị bệnh nhân; cho đào tạo bán hàng; cho các chuyên gia thương lượng; cho các nam nhi và phụ nữ tìm được “ý trung nhân”…
Vậy trong 21 ngày đến. Bạn giám thử phương pháp này không? Bạn có ý nghĩ nào táo bạo muốn nói, muốn xin, muốn hỏi ai mà chưa dám? Nếu họ từ chối thì đã sao!!! Life is just a game! Thì đã sao!? Nghĩ lại thì cuộc đời này chỉ là một trò chơi.
NEXT…
P.S: Bạn nào có ý định thử thì comment nhe. Tác giả cũng sẽ tiếp tục chơi game này và sẽ báo cáo cho các bạn :-)
Lan Bercu
Tác giả 36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại
Nhà sáng lập LanBercu TV

LA BÀN CHIẾN LƯỢC - TRẦN KIM THÀNH

Khi lênh đênh trên biển hoặc lạc giữa rừng sâu, bạn cần gì?

Đúng là ông già lẩm cẩm!

Ở cái thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 này, chỉ cần cái “sờ mát phôn” thì muốn đi đâu cũng được nhé!

Nhưng bạn ơi! Lúc đó không có sóng di động đâu mà Gu gồ, chưa kể nó hết pin là em đi xa lắm!

Cái bạn cần là LA BÀN.

LA BÀN để ĐỊNH HƯỚNG!
LA BÀN không cần pin, không cần GPS, cũng chẳng cần sóng di động nhưng nó có thể giúp bạn một cơ hội sống sót.



Trong kinh doanh, nhiều lúc chúng ta như lạc giữa rừng rậm các mối quan hệ khách hàng, đối tác, đối thủ, nhân viên, sản phẩm, dịch vụ, …. Để thoát được bạn cần có một định hướng đúng, đó là CHIẾN LƯỢC.

Có nhiều công cụ để ĐỊNH HƯỚNG hay làm CHIẾN LƯỢC cho doanh nghiệp , trong đó SWOT là công cụ kinh điển nhất, đơn giản nhất. Đã từng học, từng ứng dụng và chia sẻ cho nhiều học viên nhưng đến khi nghe anh Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn KIDO giảng tôi mới thấy được sự vi diệu của anh khi biến mọi thứ cần nói vào 1 cái hình.

Điều vi diệu đầu tiên là thay cho cái ma trận 4 ô cứng nhắc là cái hình tròn chuyển động. Hàm ý những điểm mạnh (S), cơ hội (O), điểm yếu (W) và thách thức (T) đều biến động, đặc biệt trong một thế giới bất định như hiện nay. Những điều tưởng là mạnh hôm nay đã có thể trở thành thách thức, thậm chí là điểm yếu trong tháng sau nếu chúng ta không biến chúng thành lợi thế cạnh tranh, không tạo được cơ hội. Cái hay ở đây không phải là việc thay đổi cái hình mà là thay đổi tư duy của người sử dụng công cụ - hãy nhớ mọi thứ đều BIẾN ĐỘNG và bạn đừng BẤT ĐỘNG.

Nhìn kỹ hơn, vòng tròn rất giống lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, biến hóa khôn lường. Trong NGUY (T) có CƠ (O) và ngược lại. Yếu thế (W) không hẳn đã NGUY (T), nếu khôn ngoan vẫn thấy được CƠ (O) hoặc chí ít có CƠ để tồn tại, chờ thời. Điều quan trọng ở đây là khi phân tích, chúng ta phải làm cho tới, làm đủ sâu để thấy hết mọi khía cạnh vấn đề. Rất nhiều bạn phân tích kiểu: Về đội ngũ, điểm mạnh của công ty là có nhiều kinh nghiệm, điểm yếu là lớn tuổi; Hệ thống phân phối của chúng tôi rộng khắp nhưng yếu điểm là cồng kềnh. Các bạn nếu đúng hiện tượng nhưng giá trị (thông tin) phân tích là vô nghĩa.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng, cái vòng tròn ấy biến thành LA BÀN, “từ trường” của THỊ TRƯỜNG sẽ định vị kim nam châm. Nhiệm vụ của chúng ta là chọn một hướng cho mình (theo anh Thành gợi ý: TĂNG TRƯỞNG, HỢP TÁC, RÚT LUI, CẢI TIẾN). Ở đây, chúng ta cần nhớ la bàn hoạt động theo nguyên tắc từ trường trái đất. TRÁI ĐẤT chính là THỊ TRƯỜNG, CÔNG TY là KIM NAM CHÂM. Nên mọi phân tích các nguồn lực của công ty phải so sánh với thị trường. Điểm mạnh là mạnh so với ai? So với các đối thủ cùng ngành, với nhu cầu khách hàng, với nhà cung cấp, … chứ không phải đóng cửa phòng rồi nghĩ ra điểm mạnh. Bệnh chung của nhiều người dùng SWOT là ngồi nhà và tưởng tượng. Khi đó từ tính (sức hút, sự tương tác) không có lấy gì LA BÀN hoạt động, lạc đường là chắc chắn.

Một điểm lý thú không thể bỏ qua nữa là sự tinh tế của anh Thành khi vẽ các mũi tên tác động vào SWOT. Nếu chủ động, chúng ta sẽ dự báo được các yếu điểm, nguy cơ sẽ tới để chủ động phòng ngừa. Ngược lại, chúng sẽ ập tới và chúng ta khó mà chống đỡ. Lưu ý một chút: điểm yếu là nội tại, chúng ta phải chủ động phòng ngừa và có thể khắc phục. Nguy cơ là từ bên ngoài, như bão, như thiên tai vậy, chúng ta chỉ có thể hạn chế (đừng có nghe lời mấy ông lu loa “phòng chống lụt bão” rồi mơ nhe :-)). Tuy nhiên nếu có sự chuẩn bị tốt và nội công thâm hậu thì có thể biến NGUY thành CƠ đó! Muốn có điểm mạnh thì phải chuẩn bị, phải xây dựng. Chúng không tự nhiên mà có. Một khi đã chuẩn bị tốt thì thời cơ lại có thể mang đến cho ta thêm sức mạnh. Cơ hội không dành cho những người không biết nắm bắt nó. Nó sẽ tới khi bạn đã chuẩn bị thật tốt. Khi phân tích SWOT nếu thấy có quá nhiều cơ hội, chúng ta cần làm kỹ lại. Có thể chúng ta nhận định sai khi nhầm điểm mạnh là cơ hội, thậm chí nguy cơ là cơ hội. Làm kỹ rồi mà vẫn nhiều, có khi lại là điểm yếu vì nhiều khả năng thả mồi bắt bóng. Khi đó hãy bình tĩnh, tinh chỉnh lại LA BÀN để chọn hướng cho chính xác.

Hiển nhiên để xây dựng chiến lược cho công ty không phải chỉ có mỗi công cụ SWOT. Chúng ta còn có ma trận ANSOFF, BCG, PLC, 5-Forces, PESTEL, … Nhưng tôi chọn SWOT để viết vì nó là công cụ kinh điển, đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp SME và vì tôi thích cái LA BÀN ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC của anh Trần Kim Thành.

(Bài viết thể hiện cách nhìn của tác giả từ bài giảng Strategic Management của anh Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn KIDO trong lớp CEO Khởi nghiệp 01 của Group Quản trị và Khởi nghiệp. Tác giả cũng đã xin phép anh Thành được chia sẻ công cụ này.)

P/S:
Trong khuôn khổ một status, tôi không thể chuyển tải được hết các nội dung cần thể hiện sao cho không quá dài để mọi người còn kiên nhẫn đọc (cái này do năng lực bản thân còn hạn chế, sẽ học hỏi thêm từ anh Lâm Minh Chánh và các anh) nên:
- Xin lỗi anh Tran Kim Thanh nếu có điều gì em nhận định chưa trúng “nguyên bản” của anh.
- Sẵn sàng chia sẻ, học hỏi thêm với các anh, chị, các bạn kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng công cụ SWOT và các nội dung liên quan xây dựng chiến lược công ty.
Trân trọng!

ĐINH DUY LINH
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG II
HỌC VIỆN CÔNG NGHỆ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

CÁCH ĐỌC, NHỚ & ỨNG DỤNG TRONG KINH DOANH VÀ CUỘC SỐNG ĐỂ THÀNH CÔNG

Các bạn đã inbox hỏi tôi rất nhiều những câu hỏi như: làm sao để viết bài hay, làm sao để đọc nhanh, làm sao để nhớ hết, làm sao ứng dụng kiến thức đã đọc.
Với một xã hội tràn ngập thông tin và chi phối, đọc là một thử thách. Vậy đọc để hiểu, nhớ và ứng dụng lại là một thử thách lớn hơn.
Chúng ta đọc để mở rộng thế giới quan của mình. Sẽ tuyệt vời hơn nếu ta nhớ những thông tin cốt lõi và ứng dụng vào cuộc sống, tình huống và công việc của bản thân.
Sau đây là một vài chia sẻ cá nhân tôi. Bạn nào còn có cách nào khác của mình thì hãy tích cực comment vào đây để mọi người cùng học hỏi.
1. KHÔNG NÊN LỆ THUỘC VÀO TRÍ NHỚ
Bộ não chúng ta chỉ có bấy nhiêu gig. Có người này ít gig hơn người kia. Tuy nhiên, ai cũng sẽ bị max out (dùng hết). Vì thế tôi tập thói quen chỉ nên nhớ những điều cần nhớ. Đặc biệt là những thông tin hại não chiếm gig của não thì tôi luôn “delete”. Ngoài ra tôi dùng những bộ nhớ hỗ trợ như post-it notes, evernote, một quyển tập để ghi chép, những folders có xác định chủ đề. Khi tôi đang lái xe vừa nghe audio book thì tôi không viết ghi chú được, thế là tôi nói, ghi âm vào cellphone để cellphone tự viết note cho tôi.
Lúc nào khi tôi cần điều gì để “spark”(nhóm lửa, xẹt lửa) ý tưởng, tôi lôi những tập hồ sơ folder theo chủ đề ra, những cái note ghi chú của mình… xem qua và hình thành một ý tưởng mới cho riêng mình.
2. LIÊN HỆ TỔNG HỢP Ý TƯỞNG
Những điều ta đọc dù chủ đề có khác nhau nhưng tất cả các kiến thức trên vũ trụ này đều liên đới với nhau một cách gián tiếp hay trực tiếp.
Khi đọc ta nên liên tưởng những thông điệp hay mà mình quan tâm vào cuộc sống, công việc, tình huống và kinh doanh của bản thân. Điều này sẽ làm việc đọc thêm thú vị có chủ đích.
Ví dụ: Các nhà phát minh của Apple đã bị tắc tị khi Steve Jobs đưa ra chỉ thị phải làm cái màn hình của iphone siêu mỏng, siêu nhẹ &siêu sexy. Họ bị tắc tị vì đầu óc họ luôn nghĩ rằng khi làm màn hình cellphone thì phải dùng vật liệu XYZ truyền thống. Tuy nhiên khi một anh trong nhóm đọc tài liệu sản xuất bao bì bánh kẹo rất thú vị, thì anh liên tưởng “vậy điều này giúp ích gì cho tình huống công việc mình?”. Anh vào công ty chia sẻ với nhóm về tài liệu đó. Cả nhóm Apple tổ chức một chuyến đi chơi, tham quan nhà máy bánh kẹo. Khi về, nhóm đã tìm ra giải pháp dùng một vài vật liệu sản xuất giấy gói kẹo thay thế cho vật liệu truyền thống để chế tạo màng hình siêu mỏng, siêu nhẹ, siêu sexy của iphone.
Khi tôi đọc một quyển sách về sáng tạo và phát minh. Tôi chợt lóe lên ý nghĩ về “Làm sao để cạnh tranh khi ít tiền, nguồn lực hạn chế và bắt đầu từ một vị thế nhỏ bé.” Thế là tôi đã về viết thêm nguyên tắc 8A bổ sung vào tác phẩm “36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại” như sau:
1. Adapt – Tiếp nhận
2. Alter- Thay đổi
3. Add – Thêm vào
4. Allure – Thu hút, hấp dẫn
5. Associate- Kết hợp
6. Ally – Liên minh
7. Acquire – Mua lại, chiếm
8. Avoid – Tránh
(Đây chỉ là ví dụ ngắn gọn. Các bạn muốn đọc thêm về nguyên tắc cạnh tranh 8A này thì com vào đây, tô sẻ post một bài riêng về 8A)
3. VIÊT COMMENT, VIÊT TÓM TẮT
Viết comment một cách có suy nghĩ, hay viết tóm tắt là một cách động não rất tốt, giúp ta nhớ những thông điệp chính. Khi các tương tác xì nap (synapse) trong não được kích thì sẽ “spark” ra nhiều ý tưởng mới lạ, giúp bạn giải quyết những vấn đề trong cuộc sống và công việc của mình. Nếu bạn đọc theo kiểu thụ động thì các xì náp không có dịp tương tác nhiều. Vì thế ý tưởng mới không có dịp được nảy sinh; kiến thức sẽ trôi đi sau khi bạn đọc xong.
Tôi có ý tưởng sản xuất chương trình LanBercu TV vào năm 2010. Tuy nhiên nhiều lý do như cuộc sống, thời gian, nguồn lực, kiến thức… chưa đủ để thực hiện. Tôi chờ cho lúc có đủ mọi thứ… mà sao chờ hoài không thấy đủ. Hơn 6 năm trôi qua tôi đã lãng phí bao nhiêu cơ hội, và tưởng chừng như bỏ luôn cái ý tưởng này… vì tự biện bạch các điều kiện mình đưa ra chưa đủ và “lực bất tòng tâm”. Ngày 18 tháng 1 năm 2016, trong khi chờ con tập đá bóng, tôi đọc một bài viết về “nguyên tắc hành lang” của tiến sĩ Robert Ronstadt của đại học Babson College. Sau 12 năm liên tục nghiên cứu cho chương trình khởi nghiệp và doanh nhân của trường MBA Babson College, ông đưa ra kết luận: sự thành công và thất bại của một startup là chữ “launch”(phóng). Cứ phóng xuống hành lang thì bạn sẽ tìm ra các cánh cửa.
Vừa đọc xong là tôi chở Levi thẳng từ sân bóng đến các studio quay phim ở Atlanta để hỏi thăm giá cả, kỹ thuật, tình hình…
Tôi đã lao xuống hành lang… có cánh cửa đóng, có cánh cửa khép chặt, nhưng có cánh cửa đã mở…Chính xác ngày 17 tháng 7 chúng tôi “launch” video đầu tiên.
Lan Bercu
Tác giả 36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại
Nhà sáng lập Lanbercu TV

TỰ LÃNH ĐẠO BẢN THÂN – NỀN TẢNG CỦA THÀNH CÔNG

“Bạn chỉ có thể trở thành Nhà lãnh đạo tài ba khi bạn có thể tự lãnh đạo tốt bản thân mình” 
(You can only be a great leader when you can lead yourself well first - Richard Norris)
Tự lãnh đạo bản thân là gì? Đó là khả năng TỰ LÀM CHỦ bản thân mình. Trong những lớp CEO mà tôi từng dạy, khi cho làm bài test về khả năng lãnh đạo thì luôn có đến khoảng 90% số lượng học viên trong lớp đều trả lời KHÔNG đối với câu: “Tôi có tập thể dục đều đặn, ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc”. Hỏi ra thì đa số đều viện lý do là vì, do, bởi quá nhiều việc, quá bận bịu, không có thời gian,…Nhưng chung quy vẫn là do chưa biết cách làm chủ bản thân!
Làm chủ bản thân là một việc làm không đơn giãn, nhưng chắc chắn là nó rất quan trọng, nếu không thì John Maxwell – một học giả về lãnh đạo, trong quyển sách “Phát triển nhà lãnh đạo trong bạn” đã không viết: “Dại thời muốn chinh phục cả thế giới, Khôn thời chỉ muốn thắng bản thân mình” (When we are foolish we want to conquer the world. When we are wise, we want to conquer ourselves). Chiến thắng bản thân luôn là một cuộc chiến thách thức và quan trọng nhất trong sự nghiệp của người thành đạt. Thành công hay không đa số đều khởi nguồn từ đây! Việc làm đúng ngay từ đầu của nhà lãnh đạo/CEO/Khởi nghiệp gia cũng vì thế, nên bắt đầu từ đây!
Làm sao để làm chủ bản thân mình một cách tốt nhất? Sau đây là những điều quan yếu nhất tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang lập nghiệp:
HIỂU RÕ VỀ MÌNH
Binh pháp có nói: “Biêt người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong đó yếu tố ‘biết ta’ là yếu tố cơ bản dễ khai thác nhất nhưng lại thường bị người đời xem thường, bỏ qua nhiều nhất.
BIẾT MÌNH MUỐN GÌ
Hoài bảo, mơ ước, tầm nhìn của mình là gì? Những sứ mệnh mình muốn gánh vác? Những giá trị cốt lõi mình đang tôn thờ? Hay nói nôm na là biết mình đang ở đâu, muốn đi về đâu và định đi đến đó như thế nào, bằng cách nào, với những nguồn lực nào? Xác định rõ đích đến/điều mình muốn đạt là điều vô cùng quan trọng để định hướng cho mọi hoạt động, mọi nỗ lực của mình trong mọi việc. Đây chính là chiếc la bàn không thể thiếu trên đường lập nghiệp! Nếu như bạn vẫn còn mơ hồ về điều mình mơ ước, hãy bình tỉnh ngồi xuống, lấy một cây viết ra và suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời các câu hỏi sau: “Mình muốn trở thành người như thế nào sau 10/15/20 năm? Có sự nghiệp thành đạt? Có gia đình hạnh phúc? Có sức khoẻ tốt?
Tại sao mỗi dịp xuân về, các công ty dịch vụ thường hay gởi đến khách hàng của họ lời chúc: “Một năm mới có thật nhiều sức khoẻ, thành công và hạnh phúc”? Bởi vì 3 yếu tố SỨC KHOẺ, THÀNH CÔNG & HẠNH PHÚC tuy 3 mà 1, chúng có quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau.
CÓ SỨC KHOẺ TỐT
“Một tinh thần minh mẫn chỉ có được trong một cơ thể khoẻ mạnh”. Người thành đạt là người có tư duy chiến lược, sự minh mẫn, nhạy bén trên thương trường, sự kiên trì, dũng cảm trong chiến đấu/cạnh tranh,… tất cả những yếu tố đó đều đòi hỏi một “phần cứng” vô cùng nền tảng, đó chính là một cơ thể có sức khoẻ tốt.
Sức khoẻ của bạn đã đủ tốt chưa? Cả về thể chất lẫn tinh thần? Bạn có giữ được sự dẽo dai và sáng suốt đều đặn trong 8 giờ làm việc mỗi ngày không? Hay năng suất làm việc của bạn bị giảm dần khi thời gian trôi qua trong ngày hay theo năm tháng?
Bạn có ăn uống đều độ, đúng giờ không? Hay bạn đã bị bệnh đau bao tử, viêm tá tràng, viêm đại tràng rồi? Trong tình hình an toàn thực phẩm có nhiều vấn đề như hiện nay, ngoài ăn uống điều độ, ăn đủ chất ra, chúng ta còn phải biết cách chọn lựa thực phẩm sạch khi ăn uống. Để dự phòng, nhiều người chọn phương án đổi món hàng ngày, nghĩa là không ăn hoài cùng một món, cho dù mình thích ăn nhất, để hạn chế việc hoá chất độc hại (nếu có) trong thực phẩm tích luỹ nhiều trong cơ thể dễ gây nên bệnh ung thư này nọ. Nghĩa là nên luân phiên thay đổi giữa các loại thịt gà, cá, heo, bò, hải sản; các loại rau củ quả, thậm chí cả cơm mì bún phở, … Nhiều bạn trẻ có thói quen thường xuyên ăn mì ăn liền, tôi có nhận được email của người bạn ở Mỹ gởi qua hướng dẫn là cách tốt nhất khi ăn mì ăn liền là trụng qua nước sôi một lần, rồi gạn bỏ nước đó, chế nước lần 2 vào mới ăn và dĩ nhiên cũng nên ăn luân phiên với các loại cơm bún bánh mì khác, không nên ăn hoài một món trong nhiều ngày liên tục! (Phần này tôi định viết ngắn lại, nhưng nghĩ thấy nó thời sự nên để lại, mong các bạn nào thấy nó dài dòng thì bỏ qua cho).
Bạn có đi ngủ đúng giờ & ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ không? Hay bạn đã bị bệnh mất ngủ rồi? Đành rằng chất lượng giấc ngủ là quan trọng nhất, nhưng số giờ ngủ cũng không nên xem thường. Khi chúng ta ngủ, não sẽ tự tiến hành sắp xếp điều chỉnh lại những lệch lạc, thay đổi trong cơ thể (như máy tính defragment vậy) để điều hoà lại mọi thứ cho ổn định, góp phần quan trọng cho việc giữ gìn sức khoẻ. Nếu sau khi ngủ dậy mà chúng ta còn cảm giác lừ đừ, mệt mỏi, nghĩa là giấc ngủ đó chưa tốt, cần phải tìm hiểu ngay lý do để phòng ngừa tái phát.
Bạn có tập thể dục đều đặn không? Đây là câu hỏi rất ít người trả lời có. Tại sao vậy? Ai cũng biết tập thể dục là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng có mấy người có được cái nếp tập luyện đều đặn, mỗi ngày, nhất là giới trẻ lại càng ít xem trọng việc này vì cứ ỷ lại là mình còn trẻ và rất khoẻ, không cần tập luyện. Thật ra tất cả họ đều thiếu một thứ trong người đó chính là Ý CHÍ! Nhiều người đă đăng ký phòng Gym rồi lại đầu voi đuôi chuột, ban đầu hăm hở sau rồi thỉnh thoảng, rồi bỏ tập lúc nào không hay. Chúng ta cần biết rằng việc tập thể dục đều đặn không chỉ đơn thuần giúp chúng ta rèn luyện sức khoẻ thể chất từ đó tác động đến tinh thần, mà còn giúp chúng ta rèn luyện một Ý CHÍ kiên cường, tự chủ. Chính việc tự mình ‘bắt’ mình mỗi ngày hoặc tuần 3 ngày phải tham gia tập luyện đều đặn một môn tập gì đó đúng giờ giấc sẽ rèn luyện khả năng tự chủ của mình, nghĩa là mình làm chủ được bản thân mình, không để cho sự lười nhác, ham vui ngại khó chiến thắng bản thân mình, mà bắt nó phải khổ luyện để có ngày thành đạt. Khả năng làm chủ bản thân đa phần được toi luyện từ đây!
GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC & SỰ THÀNH ĐẠT
Có mối quan hệ tốt với mọi người trong gia đình là một chất xúc tác quan trọng để chúng ta ra ngoài lập nghiệp. Một gia đình trên dưới thuận hoà, mọi người thương yêu giúp đỡ lẫn nhau sẽ là ‘một hậu phương vững chắc’, tạo điều kiện tốt giúp bạn yên tâm khi làm việc và có động lực phấn đấu để thành công mang vinh quang và tiền tài về cho gia đình cùng thụ hưởng. Ngược lại, nếu gia đình mãi lục đục, xào xáo thì bạn sẽ không được yên tâm để tập trung vào công việc và động lực cũng dễ bị mất đi từ đó. Bạn sẽ không còn tâm trí đâu để học hành, để nghiên cứu, từ đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nghề của bản thân.
Qua đó chúng ta thấy rõ 3 yếu tố trên có liên quan mật thiết với nhau: Phải có sức khoẻ tốt, có gia đình hạnh phúc thì mới có sự thành đạt. Dale Carnegie – tác giả quyển sách nổi tiếng Đắc nhân tâm đã từng nói: “Thành công là có những gì mình thích; Hạnh phúc là thích những gì mình có”. Tôi định nghĩa sự thành đạt như thế này: “Thành đạt là đạt được những gì mình thích nhưng không phải đánh đổi những thứ mà sau này không thể mua lại bằng tiền”. Đó chính là sức khoẻ và hạnh phúc! Hãy bắt đầu từ sức khoẻ và gia đình rồi mới đến sự thành đạt. Đừng để đến khi nổi tiếng giàu có rồi thì phát hiện ra mình đã mắc một bệnh nan y nào đó hay người thân của mình (cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, bạn bè thân thiết) đã lần lượt bỏ mình ra đi dù dưới bất cứ hình thức nào! Hãy tự hỏi tuần này bạn đã có ngày nào tập thể dục chưa? Năm rồi bạn đã có ngày nào về thăm cha mẹ già hay người thân yêu chưa?
BIÊT RÕ ĐIỂM MẠNH & ĐIỂM YẾU CỦA MÌNH
Điểm mạnh là vốn liếng quan trọng để thành công cần phải phát huy tối đa; điểm yếu là rào cản ngăn lối đến thành công cần phải khắc phục & cải tiến. Bạn có mạnh về một chuyên môn nào không (tài chính, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…)? Bạn giỏi về ngôn từ hay tính toán, trình độ vi tính và ngoại ngữ (nhất là Anh ngữ) của bạn ra sao? Bạn đang có những điểm yếu nào hay những thói quen xấu nào cần phải khắc phục, ví dụ như tánh tình nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, bất cẩn, hay quên, không chịu lắng nghe, lười học hỏi, cảm tính, quá tự cao, thiếu kỷ luật, quá ích kỷ, thiếu tôn trọng bạn bè, … Hãy chọn ngành nghề mà bạn có điểm mạnh nhiều nhất và mạnh nhất và lên kế hoạch khắc phục ngay những yếu điểm cần khắc phục. Làm chủ bản thân là biết rõ mình mạnh cái gì, gia tăng sự tự tin và mình yếu cái gì để cải tiến cùng gia tăng sự phát triển. Làm chủ bản thân là luôn có thái độ lạc quan, tích cực trên thương trường: tự tin vào điểm mạnh của mình và không khiếp sợ trước điểm mạnh của đối phương; không tự ty về điểm yếu của mình, luôn tìm cách cải tiến và thấy được điểm yếu của đối phương để có sách lược tiến công hiệu quả dành phần thắng.
BIẾT RÕ NHỮNG GIÁ TRỊ MÌNH ĐANG THEO ĐUỔI
Giá trị là những niềm tin bền vững và lâu dài về những điều được coi là quan trọng trong các tình huống khác nhau, niềm tin này định hướng các quyết định và hành động của chúng ta. Hay nói cách khác, giá trị chính là nhận thức về những điều tốt hay xấu, đúng hay sai. Xác lập được những giá trị tích cực sẽ tạo nên những hành vi tích cực được mọi người ủng hộ, ví dụ như sự chính trực, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng người khác, tuân thủ pháp luật, … là tiền đề để xây dựng uy tín, thương hiệu trên thương trường, cũng là cơ sở để thu hút khách hàng, nhà cung cấp lớn và các nhân tài đến với chúng ta. Giá trị sẽ là cơ sở để hình thành nên văn hoá doanh nghiệp bạn, vì thế hãy hiểu rõ, chọn lựa, kiến tạo và duy trì những giá trị tích cực bạn đang có liên quan mật thiết đến ngành nghề doanh nghiệp bạn cần phát triển.
CÓ TÍNH KỶ LUẬT
Tính kỷ luật là yêu cầu không thể thiếu để làm chủ chính mình. Soạn giả Joseph Joubert từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình.” Kỹ luật tức là nghiêm khắc với chính mình. Nói là làm, nguyên tắc & qui định phải tuân thủ, kế hoạch phải tuân theo, giá trị phải giữ gìn, …
Bạn có phải là người biết khép mình trong kỷ luật không? Trong gia đình, bạn có tuân thủ theo những truyền thống của gia đình? Trong cơ quan, bạn có tuân thủ theo những nội qui doanh nghiệp? Trong lớp học, bạn có tuân thủ theo những qui định của lớp học? Làm chủ bản thân là biết ‘ép’ mình vào khuôn khổ kỷ luật, biết nhập gia tuỳ tục, thích ứng mọi sự thay đổi để đạt được MỤC TIÊU quan trọng của mình. Giữ gìn truyền thống nếp nhà để ông bà cha mẹ được vui; tôn trọng qui định công ty để nêu gương cấp dưới hay để cấp trên hài lòng, đánh giá cao, nhanh đường thăng tiến sự nghiệp; tuân thủ nội qui lớp học để tạo dựng môi trường học tập tốt, xây dựng hình ảnh người học trò mẫu mực, đoàn kết, đam mê học tập, tạo thêm cảm hứng cho thầy cô trên bục giảng, từ đó gia tăng kết quả học tập cho bản thân. Tính kỷ luật sẽ giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh của mình, như Triết gia Lucius Amaeus Seneca đã nói: “Người có sức mạnh lớn nhất là người biết kiểm soát bản thân mình”.
Tóm lại, nền tảng của mọi thành công đều bắt nguồn từ việc biết tự lãnh đạo bản thân mình. Để có thể làm chủ doanh nghiệp thành công, phải biết làm chủ chính mình trước đã. Muốn làm chủ chính mình phải hiểu thật rõ về mình, sống có nguyên tắc & kỷ luật trong thực hành mọi công việc để không ngừng phát huy thể chất và tinh thần; đồng thời tâm hồn luôn rộng mở để không ngừng cải thiện mối quan hệ với mọi người và biết mở mang trí tuệ thông qua không ngừng lắng nghe và học tập.
Hãy tin rằng, một sự khởi đầu đúng cách là đã thành công một nửa!
Anthony Mỹ, MBA
Chuyên gia đào tạo & huấn luyện doanh nghiệp

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

KỸ NĂNG SÁNG TẠO: 50 SẮC THÁI ĐỂ TỒN TẠI & PHÁT TRIỂN

Mùa hè 2014, tôi dự một hội nghị dành cho tác giả của Mỹ tại San Diego. Bên trái tôi là một phụ nữ khoảng gần 60 mươi, tóc bạc, ăn mặc rất kín đáo giữa mùa hè nóng nực ở cái khí hậu nửa sa mạc này; bên phải là một ông khoảng 70 thanh lịch trong một bộ vest trịnh trọng. Chúng tôi ngồi nghe diễn giả trình bày một giờ thì đến giờ làm bài tập nhóm. Tôi quay sang tự giới thiệu:
“ Tôi là Lan. Tôi chuyên viết về quản trị kinh doanh. Còn ông thì sao?”
“ Tôi là Zack. Tôi chuyên viết về tương lai, phát minh và sáng tạo. Còn bà thì sao? Ông quay sang hỏi người phụ nữ ăn mặc kín đáo.
“ Tên tôi là Janet. Tôi chuyên viết chuyện người lớn tam XXX.”
??? Cả tôi và Zack như chưng hững há hốc vì không biết tiếp tục câu chuyện như thế nào. Vì nhìn bà, thì tôi chỉ có thể nghĩ là bà viết sách giáo khoa cho học sinh trung học… chứ làm sao mà…
Tôi tiếp tục; “ Xin lỗi tam XXX là có nghĩa thế nào hả bà? Xin bà giải thích thêm.”
Bà đáp;” Cô đã đọc 50 Sắc Thái chưa? Nếu 50 Sắc Thái là một nửa X, thì thể loại tôi viết là XXX.”
Zack chồm lên hăm hở; “Thế sách của bà có thể mua ở đâu?”
Bà điềm tĩnh đáp;” Đa số là khách đặc biệt đặt hàng, chứ không bán rộng rãi trên thị trường.”
Tôi, một tác giả trẻ mới vào nghề… thật hăm hở học hỏi từ đàn anh đàn chị đã xuất bản ít nhất một chục tác phẩm. Hôm nay quả thật là một ngày đầy hứng thú đây…
Ngày nay kỹ năng suy nghĩ sáng tạo trở thành một kỹ năng vô cùng cần thiết. Nếu ngày xưa ta nghĩ rằng kỹ năng này chỉ cần cho các nhà phát minh, tác giả và các hoạt động nghệ thuật; thì ngày nay nó là kỹ năng tiên quyết cho một doanh nghiệp, cho sự tồn tại và phát triển.
Zack và tôi đồng thanh hỏi Janet;”Bà lấy cảm hứng viết như thế nào?”
Janet thản nhiên đáp; “Tôi không viết bằng cảm hứng. Nếu chờ đến khi có cảm hứng thì chắc 10 năm mới xong một tác phẩm. Mỗi ngày, tôi thức dậy, tôi vào phòng, đóng kín cửa và đặt bút xuống viết… cứ viết dù chưa có ý tưởng…chưa có cảm hứng gì. “
Zack gật gù;” Wow… vậy là cái quy trình viết của bà cũng không khác gì quy trình sáng tạo thật nhàm chán của tôi.”
Sau 30 phút họp nhóm tôi vỡ ra quá nhiều điều … Dù tôi không có ý định viết truyện người lớn như Janet… nhưng bà thật sự làm tôi ngưỡng mộ và lột trần nhiều điều mà tôi đã hiểu sai. Tôi cứ ngỡ thế giới của bà đầy fantasy… nhưng thật sự nó là một chuỗi những ngày tháng lao động miệt mài mệt mỏi... để tạo fantasy cho người đọc.
Zack cũng cho tôi hiểu quá trình phát minh sáng tạo nhiều gian nan, thất bại liên tục chỉ để có lúc một vài ý tưởng được hình thành, hiện thực, được chấp nhận trên thị trường.
Điều tuyệt vời nhất là chúng ta hay lầm tưởng chỉ có thiên tài hay vĩ nhân mới đem đến sáng tạo. Sự thật thì những cá nhân đời thường như chúng ta vẫn có thể PHÁT TRIỂN khả năng sáng tạo và phát minh. Vậy để thực hiện như thế nào. Xin chia sẻ với các bạn những ghi nhận đối với tôi đáng giá ngàn vàng:
Người diễn giả ngày hôm đó là giáo sư tiến sĩ Keith Sawyer, ông trùm về giáo dục sáng tạo, chế tạo video game của Mỹ. Ông đưa ra 8 giai đoạn trong sáng tạo như sau:
1. ASK- Hỏi
Sáng tạo luôn bắt đầu từ câu hỏi, tầm nhìn, vướng mắc, thử thách, tình trạng khó mình vướng phải trong cuộc sống của chính mình. Hãy hỏi những câu sau: Tại sao, phải chi, làm sao mà, tại sao, tại sao không…
2. LEARN- Học
Không cho rằng mình biết rồi mà phải không ngừng tò mò học hỏi. Trung bình thành khá; khá thành giỏi, giỏi thành xuất sắc, xuất sắc thành chuyên gia.
3. LOOK- Nhìn
Luôn quan sát, luôn bật hết những “radar” của mình để tiếp thu, để thấy, hập thụ, “thu sóng” sự vật chung quanh. Bạn sẽ thu lượm được những điều bất ngờ.
4. PLAY – Chơi
Đây là giai đoạn khá quan trọng trong sáng tạo. Chơi là những hoạt động không quá nghiêm túc và không theo một cấu trúc nào nhất định. Giống như trẻ con chơi. Hãy tự do tưởng tượng và bay bổng.
5. THINK- Suy nghĩ
Hãy giải phóng và để cho não bạn tuôn tràn với ý tưởng. Đừng giới hạn, đừng chốt, khoan hãy biên soạn, đánh giá nó theo một nguyên tắc nào, dù rằng bạn biết đa số các ý tưởng sẽ không thành hiện thực.
6. FUSE – Kết hợp
Ý tưởng sáng tạo thường do kết hợp, thêm hay bớt. Một ý tưởng sáng tạo thành công ít khi đứng một mình mà do kết hợp với những ý tưởng khác.
7. CHOOSE- Chọn
Đến lúc này thì bạn bắt đầu chọn lọc, biên soạn, phản biện để chọn ra ý tưởng tốt nhất.
8. MAKE – Làm
Chọn được ý tưởng rồi, thì bạn cần hiện thực nó. Một ý tưởng tốt mấy cũng chỉ là một giấc mơ nếu bạn không hành động.
*** Đừng ngại rằng bạn phải như Thomas Edision hay Picasso. Thật ra, chính những vĩ nhân đó phải qua những chuỗi ngày dài ê ẩm thất bại. Ta có thể bắt đầu bằng những chuyện nho nhỏ như anh Zoel.
Zoel, bạn tôi chuyên cung cấp nấm cho siêu thị và nhà hàng. Anh có luôn cả trang trải ủ và trồng nấm lẫn mạng lưới phân phối B2B. Qua quan sát và hỏi han không ngừng, anh biết rằng các chủ nhà hàng trả tiền nhân công và tiền thuê mặt bằng cực kỳ cao ở Manhattan New York (ngang hay cao hơn với giá ở Đồng Khởi Nguyễn Huệ). Một nhân viên chỉ đứng đó, chiếm một diện tích đáng kể trong cái bếp chật hẹp… chỉ để rửa nấm. Anh tìm tòi và đưa ra giải pháp cho khách hàng — anh cung cấp nấm đã được rửa sạch; được cắt dọc, cắt ngang các kiểu… và bán giá cao hơn. Các chủ nhà hàng rất vui và biết ơn anh, vì dù giá cao hơn, họ vẫn tiết kiệm chi phí rất nhiều trong dây chuyền chế biến và nấu nướng. Anh cũng kiếm thêm được hơn nhiều lợi nhuận vì ngày xưa là bán nguyên liệu thô; bây giờ là cung cấp sản phẩm. Đây là một win-win!
QUY LUẬT
• Phải chấp nhận có lúc bạn sáng tác, nghĩ ra những ý tưởng dỡ hơi, điên khùng, nhàm chán, thất bại … để có lúc sẽ có một tác phẩm, ý tưởng được chấp nhận... nhưng phải liên tục sáng tạo để phát triển “cơ bắp sáng tạo”.
• Tạo một thông lệ, một thói quen. Dành một khoảng thời gian nào đó trong ngày cho việc sáng tạo: viết, vẽ, brainstorming, sáng tác, thử nghiệm.
Nếu ta muốn vị thế của Starbucks, chứ không mãi mãi là người nông dân trồng cà phê thô, thì nhất thiết chúng ta phải phát triển tư duy sáng tạo.
Vậy bạn có thời gian biểu cho việc sáng tạo chưa? Bát đầu từ ngày hôm nay nhé.

CÓ PHẢI VIỆT NAM HAM RẺ?

Có hai cách chính để chiến thắng trong cạnh tranh:
(1) tăng mức độ khác biệt hoá, tăng giá trị cung cấp cho khách hàng, nhờ vậy bán được hàng, thậm chí với giá cao hơn, biên lợi nhuận tốt hơn
(2) tối ưu hoá chi phí thông qua việc thay đổi cấu trúc chi phí hoặc tăng hiệu quả sử dụng tài sản để có thể cạnh tranh tốt hơn
Doanh nghiệp có thể chọn một trong hai, hoặc kế hợp cả hai trong chiến lược sản phẩm dịch vụ của mình.
Hướng 1 thường là con đường của các doanh nghiệp sáng tạo & công nghệ. Các công ty startup đúng nghĩa, vì các tính chất tự nhiên của nó, sẽ cũng thường chọn con đường này.
Khi đạt đến một sản lượng và quy mô đủ lớn và đủ ổn định nào đó, cộng với việc có nhiều sản phẩm "me-too" sẽ xuất hiện trên thị trường, các doanh nghiệp sẽ phải ưu tiên hướng số 2. Và một cách tự nhiên, khi họ tăng quy mô, chi phí cố định được phân bổ trên đầu một đơn vị sản phẩm cũng sẽ tự động giảm đi. Nhờ vậy, họ có thể cung cấp sản phẩm ra thị trường với giá thành ngày càng thấp hơn.
Các doanh nghiệp mới trên thị trường (mới khởi nghiệp, hoặc mới thâm nhập từ nơi khác) thường (a) phải có những tính năng khác biệt, vượt trội, (b) hoặc có khả năng cung cấp sản phẩm tương tự với giá thấp hơn, (c) hoặc cả hai thì mới có cơ may thành công. Nếu không có thì sẽ cầm chắc thất bại.
Vấn đề là nếu sản phẩm hay dịch vụ của bạn có khác biệt có ý nghĩa với khách hàng thì hãy xoáy vào đấy trong marketing. Vì đó chúng bền vững và ý nghĩa hơn. Tập trung vào giá rẻ có thể dẫn đến cuộc chiến giảm giá, và hậu quả là tất cả cùng bất lợi: ta, đối thủ, khách hàng và các nhà cung cấp.
"Chiến lược đánh vào lòng tham của con người thực ra chỉ có giá trị nhất thời và không bao giờ có thể thỏa mãn. Bởi thế, thay vì chỉ tập trung vào giá, theo ông Việt, doanh nghiệp hãy tấn công thị trường bằng sự khác biệt. Đây cũng là cơ sở vun xới cho môi trường kinh doanh lành mạnh và góp phần thúc đẩy tiêu dùng thông minh."
Xin gửi các bạn một bài viết mới của Nhịp cầu đầu tư có tham khảo một số ý kiến của mình.
Nội dung:
Có phải người Việt ham rẻ?
NGỌC THỦY Thứ Tư | 15/02/2017 07:30
Tuần trước, chị Lê Thanh Nguyên (quận Tân Bình) tình cờ thấy bên đường bày bán khẩu trang y tế với giá 15.000 đồng/hộp/50 cái, cùng nhãn hiệu mà chị hay mua thường với giá đắt gấp 3-4 lần. Đang có nhu cầu, lại thấy giá quá rẻ , chị mua liền 2 hộp. Đến khi sử dụng mới tá hỏa khi bên trong có bông bẩn, có thể gây hại cho sức khỏe vì nhiễm khuẩn. Vụ việc này nổ ra cuộc tranh luận, một bên cho rằng không nên kết tội những người ham giá rẻ vì nghèo nên họ không có lựa chọn nào khác. Một bên chỉ trích những người ham giá rẻ nên kết cục nhận phải là “đáng đời”. Rộng hơn, nhóm này cho rằng, chính thói ham giá rẻ của số đông người tiêu dùng Việt Nam đã kích thích nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối, làm hàng gian hàng giả, thực phẩm bẩn... để bằng mọi cách có được hàng giá rẻ nhằm thu hút người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Việt Nam có thực sự ham giá rẻ? Doanh nghiệp chạy theo giá rẻ có là cái tội?
Ở những nước có thu nhập thấp như Việt Nam (theo khảo sát của JobStreet, mức lương của lao động Việt Nam khá thấp, thậm chí chỉ bằng 1/3 Malaysia và 1/6 Singapore), thì tâm lý và thói quen chọn mua hàng giá rẻ là dễ hiểu. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Bằng Việt, chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp, cho rằng giá rẻ chính là động lực để các công ty sáng tạo, cải tiến sản phẩm. Không có áp lực này, các doanh nghiệp sẽ chẳng có lý do gì để nghĩ cách tiết giảm chi phí hơn nữa.
Những mô hình giá rẻ đã rất thành công trên thế giới nhờ vào công thức: giá rẻ nhưng bán số lượng nhiều vẫn có thể kinh doanh có lãi. Đó là Amazon, H&M, Zara, IKEA hay Wal-Mart... Ở quy mô lớn hơn, công xưởng giá rẻ” Trung Quốc cũng đã tạo nên cuộc cách mạng về giá trên toàn thế giới, giúp người dân tại các nước đang phát triển tiếp cận được nhiều tiện ích về đồ gia dụng, điện tử và quần áo...
Tại Việt Nam, sự xuất hiện của Vietjet Air, Jetstar hay Uber, Grab… theo chiến lược giá rẻ đã mở ra cuộc cách mạng trong ngành vận tải. Giá Uber/Grab hiện vẫn rẻ hơn taxi truyền thống, còn Vietjet Air chiếm ưu thế trong cạnh tranh về giá của lĩnh vực hàng không. Cuộc đua giá cả còn giúp nhiều hãng nhanh chóng lấy được khách hàng, giành được thị phần cũng như bành trướng kinh doanh.
Chỉ sau 5 năm (2012-2016), thị phần khách hàng trong nước của Vietjet Air đã vượt qua Vietnam Airlines để chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu. Đáng nói hơn, không chỉ Vietjet Air, tất cả các hãng hàng không nội địa đều hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh về giá này. Riêng người tiêu dùng đã có những thay đổi về hành vi lựa chọn. Trên những chuyến bay giá rẻ, xuất hiện nhiều cụ già, thanh niên... mang gương mặt chất phác, lam lũ. Họ đều lần đầu tiên được đi máy bay, lần đầu tiên được trải nghiệm những loại hình dịch vụ tiên tiến nhất, được học cách xếp hàng lên máy bay và tránh ồn ào ở nơi công cộng. Vì thế, nhiều người thừa nhận rằng, hàng không giá rẻ đã tạo một cách sống mới cho hàng triệu người dân Việt Nam.
Tương tự, sự xuất hiện của Uber, Grab đã mang lại làn gió mới cho ngành taxi, khiến taxi trở thành phương tiện đi lại phổ biến hơn và người dân hồ hởi mua xe để chạy taxi. Chỉ sau 2 năm hiện diện, Uber, Grab bùng nổ đến mức, có ý kiến cho rằng nên hạn chế cấp phép cho xe chạy Uber/Grab vì lo ngại vỡ quy hoạch ngành taxi. Còn Vinasun, Mai Linh thì lo âu tìm giải pháp đối phó. Vinasun đã phải học theo đối thủ khi cho triển khai ứng dụng gọi xe riêng, mua thêm hàng ngàn xe để tăng độ phủ, đưa Vcar (taxi chất lượng cao, bề ngoài như xe cá nhân) vào thử nghiệm, chấp nhận giảm biên lợi nhuận để giữ chân tài xế và khách hàng. Dù vậy, cả Vinasun lẫn Mai Linh đều không thể giữ được thị phần trước những đối thủ mới.
Xu hướng giá rẻ không dừng ở ngành vận tải mà đang lan rộng sang nhiều ngành nghề khác. Mới đây, dư luận đặc biệt chú ý đến loại hình căn hộ chỉ 100 triệu đồng ở Bình Dương. Căn hộ này nhỏ gọn, thiết kế đơn giản như một phòng trọ cho thuê. Dù vậy, với công nhân lao động, đây là ngôi nhà mơ ước. Người dân mong đợi những căn hộ giá rẻ như thế sẽ được nhân rộng ra TP.HCM, Hà Nội.
Thực tế, để có thể tung ra thị trường sản phẩm giá rẻ, các công ty phải nhờ đến rất nhiều yếu tố, cả nội lực lẫn khách quan. Điển hình, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) sẽ khó lòng xây được căn hộ 100 triệu đồng nếu không nhờ quỹ đất sạch dồi dào giá rẻ, nếu không được tỉnh Bình Dương “bật đèn xanh” cho làm căn hộ 20m2. Hay Uber, Grab khó lòng hạ giá taxi về một nửa nếu cũng gánh trên vai nhiều loại thuế phí như Mai Linh và Vinasun. Vì thế, nếu tìm hiểu chi tiết, những sản phẩm giá rẻ đều có những góc khuất phía sau.
Câu chuyện phía sau của những căn hộ 100 triệu đồng là “tiền nào của nấy”. Đó là những căn chung cư chật hẹp, thiếu thang máy, thiếu camera và càng không thể so bì về dịch vụ với các chung cư khác. Nhưng những căn hộ giá rẻ phù hợp với túi tiền của công nhân lao động, tầng lớp mà sản phẩm hướng tới. Cũng vậy, dù biết bay Vietjet Air sẽ không được phục vụ suất ăn miễn phí, không có phương tiện giải trí, dễ bị dời chuyến bay, khó khăn hơn trong việc đổi trả vé, lại chỉ được ký gửi hành lý với trọng lượng ít hơn so với hãng Vietnam Airlines, nhưng nhiều người vẫn thích chọn Vietjet Air vì còn tốt hơn nhiều so với đi tàu hỏa hoặc xe khách...
Người dân đã tự định giá cho sản phẩm, dịch vụ sử dụng. Họ cũng nhận ra đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ không rẻ như quảng cáo. Nhưng họ vẫn chấp nhận, chừng nào còn thấy chấp nhận được. Đến một lúc nào đó, khi người tiêu dùng khó chịu với sự phóng đại, hoặc có thu nhập cao hơn, đó là lúc người ta sẽ có những thay đổi trong chọn lựa. Theo khảo sát mới đây của Nielsen cho thấy, không còn ham giá rẻ, 79% người Việt chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe và 74% nói rằng, họ tìm hiểu về các nhãn hàng dinh dưỡng rất cẩn trọng.
Bởi thế, các chuyên gia cho rằng, cạnh tranh bằng giá có thể giúp các công ty nhanh chóng đạt tăng trưởng cao nhưng sẽ khó bền vững và khó có được khách hàng trung thành. Chính cha đẻ của marketing hiện đại Michael Porter khẳng định “giảm giá là điều kém khôn ngoan nếu các đối thủ cạnh tranh có thể giảm giá thấp như bạn”. Theo đuổi chiến lược giá rẻ sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm dẫn tới việc cắt giảm các ưu đãi cho khách hàng và thậm chí là phúc lợi của chính nhân viên cũng bị ảnh hưởng. Điều này đang xảy ra với Uber và Grab. Sau một thời gian tạo ấn tượng đặc biệt về giá, phải bù lỗ để lôi kéo khách hàng, Uber lẫn Grab đều muốn đưa giá về ngưỡng hợp lý hơn. Họ một mặt tăng giá cước, mặt khác siết chặt các tài xế. Bất mãn, đình công, xáo trộn đã xảy ra ở cả hai hãng này. Nhưng lo ngại hơn, khi Uber, Grab tìm đường trở lại giá hợp lý, họ có thể sẽ đánh mất hình ảnh giá rẻ mà họ đã đổ rất nhiều tiền để tạo dựng, theo đuổi suốt thời gian qua. Kéo theo đó có thể là sự suy giảm về lượng khách hàng.
Trên thực tế, mô hình kinh doanh của Uber, Grab là mô hình sáng tạo, sản phẩm có nhiều khác biệt, với nhiều tiện ích mà trước đó chưa có hãng taxi truyền thống nào làm được. Đó là cho phép khách hàng ngồi nhà gọi taxi, cho phép chấm điểm tài xế, tìm lại hành lý thất lạc, định sẵn mức giá theo tuyến đường đi, tránh được ác cảm đồng hồ gian lận. Uber và Grab kinh doanh taxi mà không phải bỏ tiền mua xe hay tốn chi phí cho tài xế. Chỉ với ứng dụng công nghệ, họ quản lý được tất cả với sự trơn tru, hiệu quả cao. Khi càng nhiều người sử dụng, ngoài con số kinh doanh, Uber, Grab còn thu về một dữ liệu khách hàng khổng lồ.
Chỉ tiếc là Uber và Grab chưa tích cực quảng bá, tập trung vào các ưu thế này. Nếu làm tốt, họ có thể sẽ có được những khách hàng gắn bó lâu dài. Ông Trần Bằng Việt nhấn mạnh, giá luôn quan trọng nhưng nếu giá rẻ dựa trên chiến lược phá giá hoặc nhờ cậy vào những lợi thế đặc biệt, chỉ có trong một giai đoạn (như được miễn giảm thuế...) thì đó là rẻ ảo. Chiến lược đánh vào lòng tham của con người thực ra chỉ có giá trị nhất thời và không bao giờ có thể thỏa mãn. Bởi thế, thay vì chỉ tập trung vào giá, theo ông Việt, doanh nghiệp hãy tấn công thị trường bằng sự khác biệt. Đây cũng là cơ sở vun xới cho môi trường kinh doanh lành mạnh và góp phần thúc đẩy tiêu dùng thông minh.

PHÂN TÍCH CHIẾN LƯỢC TRÊN GÓC NHÌN NGÀY VALENTINE 14 - 2

Chốt sales và bán hàng theo tư duy Marketing nhìn dưới góc độ ngày valentines và tình cảm nam nữ.
- Sản phẩm: Đàn ông chúng ta.
- Giá trị vật lý: Trước hết phải là đàn ông.
- Giá trị cảm xúc và cộng thêm: Đẹp trai, cao to, tài giỏi gì đấy tôi không biết. Tùy mỗi người.
Như phân tích trên, các bạn thấy đấy, đẹp trai chỉ là giá trị cộng thêm, giá trị ngoài rìa, không phải là giá trị cốt lõi sản phẩm mà phụ nữ hằng mong muốn, nên chẳng có gì phải lo nhé.
- Mục tiêu (Định tính) cuối cùng của Marketing và sales là tin tưởng, khách hàng ra quyết định mua hàng đều phải có một phân tích chiến lược đúng đắn. Mục tiêu là có ngừi yêu.
- Mục tiêu định lượng: 1 người là đủ.
- Customer Insight: Sự an toàn. Tôi cho rằng việc phụ nữ ghen là do chính sản phẩm mà thôi, đó là chính chúng ta, họ có cảm thấy an toàn là do chính mình, mọi sự thể hiện bằng cử chỉ, thái độ, hành vi, social hay bất cứ thứ gì, nếu bản chất nó không có gì, thì trường hợp cô ấy ghen sẽ không có. Phụ nữ là chúa… đa cảm mà (kkk). Phụ nữ sẽ không cưới một người cho dù có đẹp trai và tài giỏi, họ chỉ cưới người cho họ cảm giác an toàn mà thôi.
- Brand Philosophy: Triết lý thương hiệu chúng ta cần hiểu nếu họ chưa cảm được giá trị của chúng ta, chưa biết chúng ta là ai, chúng ta có đàng hoàng không, chúng ta có ý đồ gì mờ ám không, việc vồ vập là không cần thiết.
Chị ơi sao chị không mua, chị ơi chị thấy sao, chị ơi chị thấy thế nào. Một ngày gọi 3,4 cuộc điện thoại để làm gì. Một khi họ cân nhắc giá trị vật lý thì có các nguyên do sau:
- Họ chưa tin bạn. Vì bạn chưa đủ cho họ cảm thấy bạn là chuyên gia trong ngành. Giá trị lúc này khiến họ cân nhắc với bạn chỉ là giá trị lý tính.
- Một khi qui trình bán hàng đã tối ưu, vấn đề còn lại chỉ là cái giá. Nếu ngân sách của họ không đủ. Họ thuộc khách hàng nuôi dưỡng, thảy sang cho CSKH hoặc Marketing lo tiếp. Dành thời gian chăm sóc và tìm kiếm KHMT mới tốt hơn.
Các bạn biết đấy tôi chẳng bao giờ kì kèo với khách hàng cái giá, và họ cũng vậy. Bệnh nhân không bao giờ trả giá với bác sĩ đang nói về bệnh tình của bạn cả. Bạn cũng phải là bác sĩ của họ, bác sĩ DN, bạn gặp họ để đưa giải pháp, bạn gặp họ để giúp họ và đồng hành cùng họ, không phải để bán hàng. Hãy bỏ tư duy bán hàng thông thường đi.
Quay lại vấn đề trên. Tôi phân tích tiếp.
- Phân khúc KHMT (Giả sử): Độ tuổi: 23 – 30 Tôi chấp nhận lái máy bay, vì tôi cho rằng độ tuổi này họ đủ sâu sắc và phù hợp với mình, nên mới có đầu mút 30, lớn hơn 30 không nên vì quá 30 thường chai cảm xúc, lãng mạn không còn là vấn đề nữa, insight và hành vi của phân khúc trên 30 khác. Cách đây vài năm việc cõng nàng qua vũng mưa và nàng về mất ngủ mấy đêm là chuyện bình thường (18 – 22), phân khúc trên họ chín chắn, biết suy nghĩ, đã trải nghiệm vừa đủ, nên tính cách trầm lắng và đặc biệt thực tế hơn.
Những thứ họ quan tâm ở một người đàn ông: Sự chín chắn, trưởng thành trong tư duy và suy nghĩ, công việc làm ổn định, là một người anh, người thầy, người dẫn dắt, chodù là yêu đương cũng phải dùng cả leadership nhé - Yêu không bắt họ phải làm thế này thế kia, mà hãy dùng cử chỉ, thái độ và tâm lý để họ tự nguyện theo ta “suốt đời”.
Đặc điểm ngoại hình: Tóc dài, nữ tính, gu ăn mặc màu lạnh, trắng, đen, lady.
Bước 1: Research hay Audience Audit.
Đánh giá thị trường và đánh giá đối tượng mục tiêu.
Tôi phát hiện cô ấy thích: Mặc đồ đen, thích màu lạnh, từng học ở đâu, đang làm gì và network như thế nào.
Kéo timeline thấy người ta chúc mừng sinh nhật, đoán cung của cô ấy, thường thì tôi cũng chả có quan tâm cung này nọ lắm; nhưng con gái tuổi này hành vi và suy nghĩ quan tâm đến điều này (tất nhiên tôi nhìn trên góc độ đa số, nên các bạn đừng phản biện rằng em không có nhé, mình đang đứng trên góc nhìn số đông), phận là nữ nhi không chủ động, nên họ đành tin vào một thứ gì đó như cung tuổi và tính cách bạn đời phù hợp chẳng hạn, năm sinh, tuổi tác, cũng là thứ được các cô quan tâm. Biết để làm gì, rõ ràng bạn phải biết nói những thứ mà “khách hàng” quan tâm, và nói bằng ngôn ngữ của họ, đừng khoe rằng bạn là thế này thế nọ. “Đối tượng” sẽ không quan tâm đâu. Đừng bán hay đừng nói những thứ các bạn có, hãy nói theo ngôn ngữ của khách hàng, học một tí về cung tuổi này nọ cho dễ gần gũi hén.
Sau khi nghiên cứu các kênh truyền thông của cô: Facebook Profile, Website (nếu có), nghiên cứu bạn bè trong network (nếu có).
Tôi phân tích SWOT:
- Strengths (Điểm mạnh): Kĩ thuật cá nhân từ bí kíp 101 tình yêu của tôi (Kĩ thuật cá nhân tốt, năng lực lõi tốt). Tư duy chiến lược và chiến thuật tốt. Tôi và cô ấy có nhiều bạn chung, tôi có thêm thông tin để phân tích chiến lược, thông tin đầy đủ, đa chiều làm tôi giảm thiểu rủi ro (Risk Management), chiến lược của tôi không cảm tính và có khả năng thành công cao, rút ngắn nhiều thời gian.
- Weakness (Điểm yếu): Tôi và cô ấy không hợp cung và hợp tuổi, cô ấy lại là người khá quan tâm đến vấn đề này. Tôi thuộc tuýp người networks rộng nên không mang cảm giác an toàn cho cô ấy lắm.
- Opportunity (Cơ hội): Tôi có thể nhờ một “quân sư quạt mo” nào đó để giúp đỡ tôi, vì tôi phát hiện ra network của mình và cô ấy khá nhiều bạn chung. Tôi nhận thấy đối thủ của tôi (Competitors) không nhiều lắm, họ biết cô ấy trước tôi, họ dùng nhiều cách để tán tỉnh nhưng có vẻ chưa thành công.
Thách thức: Có thể bị cô ấy từ chối, người ta xinh đẹp mà chưa chịu ai thì chỉ có thể là tần số nhỏ, ngắn và khó bắt nhịp, lúc bắt được, lúc không.
Dựa trên phân tích SWOT, tôi bắt đầu hoạch định chiến lược truyền thông (Communication Strategy) của mình tại các kênh truyền thông mà cô ấy có thể đọc được, để cô ấy cảm thấy tôi là một gã an toàn, ít nhất là thế. Việc bắt chuyện là chưa cần thiết. Mà nếu bạn có thương hiệu (Brand), thì khoảng cách sẽ ngắn hơn.
Việc truyền thông phải đảm bảo được việc cải thiện điểm yếu, dựa trên việc phân tích dữ liệu thông tin đã có để hoạch định chiến lược nội dung đúng insight, sau đó tiếp tục đo lường để xem cô ấy react love và like những post nào (KPI setting), sau đó có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Tôi nhận thấy tôi viết nội dung ngôn tình, cố ấy không thích lắm, vì có thể cô ấy cho rằng tôi là một gã không an toàn hoặc cũng có thể cô ấy đã quá tuổi đó rồi. Hạn chế nội dung này.
Tôi nhận thấy cô ấy thích tôi viết về Strategy, Business Management, và chuyên môn của tôi về Marketing, Branding. Cô ấy có vẻ thích kinh tế và những gì liên quan đến quản trị doanh nghiệp.
Bước 2: Place – Phân phối sản phẩm
Tôi bắt đầu còm men lên post của cô ấy một cách tinh tế nhất, tôi vẫn chưa inbox, vì tôi cho rằng sợi dây chưa đủ ngắn để làm việc đó.
Và cũng để thử phản ứng của “thị trường” và của “cô ấy” (Customer Feedback).
Kết quả: Cô ấy đã like và reply.
Tôi thấy định vị (Brand Positioning) của tôi và cô ấy có điểm tương đồng.
Bước 3: Competitor Analysis – Phân tích đối thủ
Tôi phân tích tiếp POP (Point of Paparity): Điểm tương đồng của đối thủ không nhiều. Gần gũi hơn, chụp ảnh chung, đi chơi cùng, quen biết đã lâu. Tất cả tôi đều có thể làm được.
Tôi phân tích tiếp POD (Point of Difference): Điểm khác biệt của tôi, nhìn cũng được, cũng cao ráo tốt mã, có networking tốt, tôi có thể tìm quân sư quạt mo nào đó trong network này, tôi có những năng lực lõi nào đó mà cô ấy có thể quan tâm thông qua KPI setting phân tích được từ chiến lược truyền thông của mình (Communication Strategy).
Bước 4: Tiếp cận đối tượng mục tiêu
Tôi quyết định sau 16 tiếng mới inbox. Tôi biết cô ấy, cách ăn mặc của cô, cách cô viết bài, tôi đoán tính cách của cô qua nhận diện của cô (Brand Identity), tôi đoán tính cách thương hiệu (Brand Personalities), phân tích giá trị cốt lõi (Core values) để xem cô có giá trị nào giống mình không, tư duy mĩ thuật thông qua cách ăn mặc để đoán biết cô ấy là một có gái hiện đại, văn minh, cá tính. (Vì cô toàn chọn màu trắng, đen và màu lạnh để ăn mặc).
Sau khi nói chuyện, cô ấy hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác vì từ thông tin tôi có được qua quá trình nghiên cứu khá kĩ của tôi.
Tôi nói đúng 90% các đặc điểm phân tích, làm cô ấy cảm thấy thú vị, thích thú và chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện vui vẻ, chúng tôi có các giá trị cảm xúc khá tích cực về nhau.
Tán tỉnh ai đó hay làm kinh doanh cũng giống nhau, nếu bạn có một phân tích, một qui trình đúng, một cách tiếp cận phù hợp và tinh tế, cho dù không đẹp trai, bạn cũng có thể thành công nếu có một chiến lược (Strategy) đúng.
Và nên nhớ, đẹp trai chỉ là giá trị cộng thêm mà thôi.