Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

TỐI ƯU THUẾ TRONG DOANH NGHIỆP

Xét về khía cạnh hiệu quả, thuế được xem như là một khoản chi phí và các doanh nghiệp đều mong muốn tiết kiệm. Vậy trong thực tế, các doanh nghiệp thường áp dụng các nào để tiết kiệm thuế?
 Trốn
 Tránh các khoản phạt
 Tránh các tổn thất
 Tận hưởng các ưu đãi
1. TRỐN
Đây có lẽ là câu trả lời đơn giản nhất. Khi nói đến tiết kiệm, có lẽ các doanh nghiệp nhanh chóng nghĩ đến cách này. Tuy nhiên điểm yếu của nó là tính chính danh và rủi ro.
Doanh nghiệp có các nghĩa vụ với nhiều đối tượng khác nhau như với ngân hàng, với người bán, người mua, người lao động, cổ đông, nhà nước... Riêng nhà nước có thẩm quyền và uy quyền lớn nhất trong việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình. Họ có quyền kiểm tra, yêu cầu giải trình và phạt nếu doanh nghiệp vi phạm. Trốn thuế là 1 trong các vi phạm của doanh nghiệp và khi bị phát hiện thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Ngoài tổn hại về tài chính, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Khi sử dụng cách thức này, rõ ràng là doanh nghiệp đang tự đưa mình vào rủi ro và nguy hiểm để đánh đổi lấy lợi ích trước mắt.
2. TRÁNH CÁC KHOẢN PHẠT
Các quy định về thuế được ban hành tại rất nhiều văn bản khác nhau. Để hiểu đúng các quy định này không phải là điều dễ dàng. Đã thế chúng lại thường xuyên được sửa đổi bổ sung. Những nguyên nhân đó dẫn đến việc hiểu sai, làm sai là điều khó tránh khỏi.
Khi doanh nghiệp làm sai thì sẽ bị phạt. Thông thường một quyết định phạt được đưa ra sẽ bao gồm:
 Phạt vi phạm
 Truy thu
 Phạt chậm nộp. Riêng khoản này để càng lâu thì càng lớn, thậm chí có trường hợp lớn hơn cả số truy thu.
Để tránh cái này thì doanh nghiệp chỉ còn cách hiểu đúng và làm đúng mà thôi. Khi đó, doanh nghiệp cần đầu tư đầy đủ cho những người làm kế toán thuế nghiên cứu, áp dụng và thực hiện đầy đủ theo yêu cầu.
3. TRÁNH CÁC TỔN THẤT
Để thực hiện hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện rất nhiều công việc khác nhau. Trong đó, có những khoản chi phí được thuế chấp nhận, có những khoản thì không. Khi không được chấp nhận, doanh nghiệp phải lấy từ lợi nhuận sau thuế. Đây được coi là một tổn thất cho doanh nghiệp.
Để tránh các khoản tổn thất, doanh nghiệp cần đánh giá được tác động của thuế đối với từng cách thức thực hiện và lựa chọn cách thức hiệu quả nhất. Tất nhiên là chi phí thuế là một yếu tố cần xem xét trong rất nhiều yếu tố khác có tác động đến hiệu quả kinh doanh.
4. CÁC ƯU ĐÃI
Việc được hưởng các ưu đãi là một điều tuyệt vời. Các ưu đãi thường liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và địa bàn được khuyến khích. Bên cạnh đó, để được ưu đãi, doanh nghiệp cần đáp ứng được các điều kiện nhất định trong từng tình huống cụ thể.
5. DOANH NGHIỆP CÓ THỂ LÀM GÌ?
Một cách chính tắc, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của nhà nước, tránh các tổn thất và tận hưởng các ưu đãi.
Vậy cách tiếp cận sẽ là: Bỏ qua cách 1, triệt để cách 2, hướng tới cách 3 và vươn lên cách 4.
 Với cách 2, vai trò của kế toán thuế là đặc biệt quan trọng. Hãy đảm bảo bộ phận này có đủ năng lực để thực hiện đúng. Việc đầu tư cho công việc này là một đòi hỏi tất yếu và chính đáng.
 Cách 3 và cách 4 đòi hỏi sự tham gia của lãnh đạo cấp cao. Điều này đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp có tư duy chiến lược và dài hạn, nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của thuế, lựa chọn đúng đắn trong các quyết định kinh doanh. Trước mỗi quyết định quan trọng, lãnh đạo doanh nghiệp nên tham vấn ý kiến của kế toán, chuyên gia tư vấn nhằm đánh giá ảnh hưởng của thuế.
Dường như là công tác HOẠCH ĐỊNH THUẾ ngày càng đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững, thậm chí là vượt trội của doanh nghiệp!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét