Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

CHIẾN LƯỢC DOANH NGHIỆP & LÝ DO THẤT BẠI Ở VIỆT NAM

Nhiều người bạn tài giỏi của tôi rất cầu tiến, thường xuyên trau dồi những kiến thức và mô hình quản trị tiên tiến. Tôi dù không đủ thông minh, nhưng cũng dành thời gian để đọc và suy ngẫm. Những tri thức ấy cực kỳ cần thiết cho những người điều hành doanh nghiệp chúng ta.
Nhưng qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy không phải mô hình hay kiến thức nào cũng phù hợp để áp dụng ở Việt Nam, đặc biệt là các mô hình phân tích và quản trị chiến lược.
Dù đã được đúc kết, trui rèn và khẳng định trên khắp thế giới nên mức độ xác tín khoa học rất cao nhưng khi áp dụng vào Việt Nam thì chúng lại thường không cho kết quả như ý. Nhưng không phải là vì chúng “tệ hại", mà do chúng ta “đặc thù".
Vậy tại sao chúng ta không phù hợp:
1. Nền kinh tế và xã hội của chúng ta không vận hành theo quy luật:
(a) mà theo các mệnh lệnh hành chính: những nhiệm kỳ ngắn ngày, các chủ trương và chính sách ngắn hạn không đủ độ ổn định để chúng ta trồng cây ăn trái lâu năm. Chưa nói đến việc là các chủ trương/chính sách ấy đã khoa học, hợp quy luật hay chưa, mà đa phần trong số chúng (nếu không bị tác động bởi các nhóm thân hữu) thường phục vụ các mục tiêu chính trị - xã hội hơn là kinh tế (kể cả khi đó là chính sách kinh tế).
(b) mà theo con người (quan điểm, năng lực, lợi ích, cảm xúc của người có quyền): điều này làm cho các doanh nghiệp phải “hướng quan hệ” thay vì “hướng giá trị” hay “hướng hiệu quả”.
2. Mô hình phân tích nào cũng dựa trên các thông tin đầu vào. Nhưng chúng ta lại không có được điều đó:
(a) các số liệu thống kê của chúng ta thì ai cũng biết là không chính xác. Số liệu của nhà nước thì thôi rồi, số liệu mua từ các công ty NCTT thì những người đã dùng nhiều rồi sẽ hiểu, còn số liệu tự thống kê/phân tích thì bị hạn chế bởi năng lực nhân sự và tính khách quan của những người có liên quan đến quá trình thống kê phân tích đó. Tôi đã từng thấy số liệu được giảm xuống 27 lần để dụ công ty khoán việc thu phí giao thông BOT ra ngoài thay vì tự làm. Và trường hợp tăng gấp hơn 10 lần lưu lượng xe để làm một dự án mới thay vì hủy từ đầu vì không đủ hiệu quả.
(b) những thông tin đầu vào cho các mô hình lại không ổn định và khó tin đoán. Chả mấy ai biết chính xác tỷ giá, lãi suất ngân hàng, mức thuế... của tương lai trừ những người thân với những người làm chính sách. Mà những người đó thì lại chả cần phân tích để làm gì.
3. Quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam cũng thường không đủ lớn (không quá 20 doanh nghiệp đủ quy mô để làm chiến lược một cách căn cơ). Địa bàn Việt Nam lại trải dài và phân mảnh với các nhóm khách hàng, nhà cung cấp và chính quyền địa phương có đặc thù rất khác nhau.
4. Năng lực quản trị và tính chuyên nghiệp của quản lý cấp cao và cấp trung là không đồng nhất, không cao. Điều này dẫn đến hai hậu quả:
(a) chủ doanh nghiệp có tiếng nói quá mạnh trong việc xây dựng chiến lược, thiếu mức độ phản biện cần thiết và
(b) các chiến lược doanh nghiệp bị vô hiệu hoá từ từ khi chúng ảnh hưởng đến lợi ích của một nhóm cụ thể nào đó trong doanh nghiệp.
5. Tâm lý Phù Đổng thay vì Phù hợp và nhiệt tình nhưng không đủ đeo bám, sâu sát và chịu nhiệt của lãnh đạo doanh nghiệp làm các chiến lược không đủ thời gian để đơm hoa, kết trái.
Vì những lý do khách quan, hồn nhiên và dễ thương đó mà các mô hình rất tốt, rất khoa học của "thế gian" khi được áp dụng ở Việt Nam thường không cho những kết quả khả quan mà thường bị cho là tội đồ “gian thế”.
Vậy có phải là những mô hình ấy vô dụng hay tai hại hay không?
Cũng không hẳn vậy. Các mô hình giúp chúng ta nhìn được nhiều khía cạnh hơn của vấn đề, thẩm định lại các giả thiết và tăng mức độ trực quan - khả năng thuyết phục. Ứng dụng ra sao, ứng dụng như thế nào thì sẽ cần một sự tỉnh táo, kinh nghiệm và sự khéo léo của những người sử dụng.
Hãy hình dung: chúng chỉ là công cụ, phương tiện, không là liều thuốc để chữa bệnh cho chúng ta.
Dùng một phần thôi, và dùng một cách cẩn thận.
Giống như cách chúng ta yêu vậy đó.
P/s: tôi thích cách anh Tran Kim Thanh trình bày trong các lớp CEO của chúng ta. Cần phải biết cách vận dụng đúng, chứ không phải thuộc lòng nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét