Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Làm thế nào để thu hút được người "làm được" về làm với mình khi mình không có tiền?

(Đây là một góc nhìn của cá nhân, và cũng xin phép anh chị cho em được xưng tôi ở bài này nhé)
Theo tôi thì quan hệ giữa con người bắt đầu và gắng kết với nhau bằng chữ lợi, chữ tình và chữ nghĩa. Trong chữ lợi thì có lợi về vật chất và lợi về tinh thần (phi vật chất). Nếu không có tiền thì chúng ta phải suy nghĩ về cái lợi về tinh thần, đánh vào cái tình và cái nghĩa trước, cái lợi về mặt vật chất tính sau vì đơn giản là không có tiền thì nợ.
Cái lợi về mặt tinh thần, phi vật chất:
Mỗi người mỗi tính, mỗi sở thích, mỗi đam mê...và có nhiều người sẵn sàng "bỏ tiền để mua vui", theo đuổi sở thích, đam mệ hoặc để thoả mãn một nhu cầu nào đó...mà ít có nhu cầu khác, hoặc nếu có cũng không cao. Vâng, dựa vào đặc tính này của con người, chúng ta có thể tìm những người có đam mê, thích thú khi làm công việc này hoặc tạo ra công việc điều kiện mà khi họ làm, sinh hoạt có thể thoả mãn nhu cầu, đam mê của họ thì...tiền không là vấn đề với họ.

Ví dụ:
+ Ví dụ, khi tôi làm một dự án số hoá sách (làm ebook cho những đầu sách cũ), cần người gõ sang text, tôi có gặp một người lương khá cao, nhưng rất thích đọc sách...họ sẵn sàng nhận việc này với mức giá rẻ bèo chỉ để được đọc những cuốn sách cổ, hiếm.
+Rất nhiều chuyên gia post bài phân tích, chia sẽ kiến thức trên Facebook mà đâu nhận được đồng tiền nào...
+Khi tôi đang điều hành Tàng Thư Viện, có một số anh chị bỏ công sức vào để dịch truyện mà không hề lấy một đồng nào chỉ vì họ có nhu cầu đọc truyện nhưng không có truyện để đọc, hoặc dịch truyện là một thú vui của họ,...
+Cũng không ít người chấp nhận làm không lương hoặc lương rất thấp để có kinh nghiệm và môi trường học hỏi, tìm mối quan hệ hoặc cơ hội...khi làm công việc đó.
+ Rất nhiều người làm chương trình cộng đồng, xã hội không nhận lương mà còn cho tiền thêm.
=>Giải pháp: + Tìm người có sở thích hay đam mê với công việc này.
+ Tìm hiểu nhu cầu khác lạ (nghiên cứu, học tập, thể hiện mình, sức khoẻ, quan hệ...) tạo điều kiện, môi trường, công việc để người khác khi tham gia hoặc làm công việc đó có thể thoả mãn nhu cầu đó của họ.
+ Xây dựng một cái triết lý nhân sinh hoặc lý tưởng nào đó để người ta theo.
+ Xây dựng và bán cho họ một ước mơ...trên những nguồn lực và cơ sở hợp lý, như ước mơ đổi đời chẳng hạn...bằng cách cho họ cổ phần, cổ phiếu và một cam kết thực tế.
Chữ tình:
Con người khác nhiều ở động vật ở chữ tình, vì tình họ có thể làm nhiều thứ...thậm chí cả tính mạng. Cho nên hãy là "người thân" của những người mình muốn họ làm việc chung, vì người thân, họ có thể giúp đỡ mình rất nhiều mà không cần tiền...Và chúng ta sẽ nợ họ "ân tình" và sẽ phải trả món nợ "ân tình" đó, phải có qua có lại nếu không sẽ mang tiếng là "lợi dụng"...
Ví dụ:
+ Tôi có vài người bạn làm tín dụng, khi em mở mảng kinh doanh văn phòng phẩm, chính người bạn ấy là người giới thiệu, tìm khách hàng cho tôi rất nhiều mà không phải tốn tiền thuê sale.
+ Tôi có một người bạn làm về công nghệ thông tin, giúp quản trị hệ thống website à không phải tốn tiền thuê nhân viên IT hay dùng dịch vụ.
+Rất nhiều người về làm cho công ty vì biết sếp bên đó rất quan tâm đến nhân viên từ sức khoẻ, tinh thần, sự nghiệp cho tới gia đình nhân viên...
=> Giải pháp: Bản thân hay người khác nợ "ân tình" thì cũng sẽ trả nợ "ân tình"
+ Quan tâm, chăm sóc nhân viên của mình thật tốt, chia sẽ kiến thức, tầm nhìn và sẵn sàng giúp đỡ họ xây dựng sự nghiệp, cuộc sống gia đình hạnh phúc...
+ Hãy là "người thân" của khách hàng, những người ta quen, hãy cho đi và giúp đỡ họ không toan tính...và rồi họ sẽ tự nguyện giúp đỡ lại mình, bán hàng cho mình.
+ Mở rộng, gặp gỡ nhiều người có chuyên môn và hãy trở thành "người thân" của họ...nhất là những người chưa có gì. Vì chưa có gì thì cái "nợ ân tình" mới nặng.
Cái nghĩa hay là trách nhiệm:
Bất cứ một vị trí, công việc hay hành động nào cũng đều trách nhiệm cả. Một người có trách nhiệm và sẵn sàng chịu trách nhiệm sẽ là một người được người khác tin tưởng và sẽ có "uy tín". Uy tín bắt nguồn từ sự nghiêm khắc với bản thân, chịu trách nhiệm trong cả những lời nói chơi chơi lúc bình thường, trong cả những việc không quan trọng...chứ không phải chỉ trong công việc, hợp đồng và những việc liên quan đến pháp lý. Sẵn sàng chấp nhận chịu thiệt về bản thân để làm tròn trách nhiệm với người khác, tròn trách nhiệm với lời hứa của mình.
=> Giải pháp:
+ Nghiêm khắc và kỷ luật với bản thân, đã hứa thì phải làm, người khác không cần biết lý do, vì thế đừng dễ dãi trong lời nói, nhất là những lời hứa.
+ Xây dựng một quy tắc ứng xử công bằng, không thiên vị, không cào bằng, thưởng phạt phân minh và bản thân phải là người làm gương, tuân thủ qui tắc đó một cách tuyệt đối.
+Phải là người làm gương, có trách nhiệm trong công việc, với công ty, với nhân viên công ty, với gia đình và với xã hội. Vì nếu chỉ có trách nhiệm bên này mà không có trách nhiệm bên kia thì sẽ gây sự nghi ngờ và giảm uy tín cũng như khả năng ảnh hưởng của mình.
+ Hãy gắng trách nhiệm và lợi ích của nhân viên với công ty.
Lợi ích vật chất (bằng cách nợ tiền)
Nếu có một công việc mà chỉ tìm được người làm khi trả lương cao, không có cách nào khác thì chúng ta vẫn cứ tuyển và chấp nhận nợ.
Con người mà mấy ai không nợ chứ, bây giờ không có tiền thì thì chúng ta phải nợ, mà nợ ở đây có thể là nợ gia đình, bạn bè, ngân hàng và tận dụng việc nợ lương lúc đầu, chỉ phải trả lương khi họ làm việc hết tháng.
Nợ là một con dao hai lưỡi, có thể là đòn bẩy giúp ta đi lên nhanh chóng nhưng cũng có thể là cái hố ta tự chôn mình, phải tính toán thật kỹ khả năng trả nợ và thứ tự ưu tiên trả nợ, nếu không thì có thể "thân bại danh liệt" .
Bên trên là bốn vấn đề ta cần phải suy nghĩ, chung qui tất cả đều xây dựng trên việc bản thân chúng ta thế nào, cách chung ta suy nghĩ, vận hành công việc và phân chia lợi ích ra sao, chủ động tới đâu, phối hợp hài hoà ra sao. Bản thân phải thật sự là người tử tế, có trách nhiệm và hãy nghiêm khắc kỷ luật với chính bản thân của mình...và luôn suy nghĩ, chủ động tìm giải pháp phòng chống rủi ro, mở rộng khả năng của mình...
Anh chị có ý kiến hay góc nhìn nào khác không ạ ?
Lê Quốc Thạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét