Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

NGĂN NGỪA RỦI RO VỀ THUẾ (phần 2)

➡ Khi chủ doanh nghiệp là người mang đến rủi ro và thiệt hại!
➡ Vốn ảo và những hệ lụy!
1. Vốn ảo
Khi thành lập, rất nhiều doanh nghiệp đăng ký cao hơn số thực góp. Họ ít khi để ý đến việc tính toán số vốn đăng ký là bao nhiêu cho hợp lý. Việc này dẫn đến những hệ lụy cho doanh nghiệp, đôi khi là rất nặng nề. Nó tác động đến quản trị công ty, mối quan hệ giữa các cổ đông và cả rủi ro về thuế. Trong bài viết này, tôi kể một câu chuyện thực tế đã xảy ra và phân tích những ảnh hưởng của nó đến doanh nghiệp.
Xem lại NGĂN NGỪA RỦI RO VỀ THUẾ PHẦN 1 Tại đây
2. Nỗi bức xúc của người khởi tạo doanh nghiệp
Có lần tôi nói chuyện với một anh là chủ tịch kiêm giám đốc công ty. Anh là người sáng lập ra công ty. Khi thành lập, với mong muốn huy động sức người, sức của những người khác, anh kêu gọi thêm 4 cổ đông nữa. Doanh nghiệp được thành lập bởi 5 người. Họ đăng ký vốn góp là 10 tỷ, mỗi người 2 tỷ.
Thực tế các cổ đông mới góp được 3 tỷ. Số vốn còn thiếu là 7 tỷ, mỗi người 1,4 tỷ.
Trong thời gian hoạt động thì có một cổ đông (sau đây tôi gọi là anh B) không góp sức như thỏa thuận ban đầu (bằng miệng). Thậm chí B còn cản trở hoạt động và sự phát triển công ty. Chủ tịch muốn mua lại phần vốn của B để đưa công ty thoát khỏi bế tắc. B đòi giá cao hơn mệnh giá. Mức giá B đưa ra là 25.000 đồng/cổ phần.
Một điều oái oăm hơn, B đòi bán trên mức giá trên cho toàn bộ 2 tỷ vốn đăng ký chứ không phải là trên 600 triệu đã góp. B tính giá bán là 5 tỷ, trừ đi số vốn thiếu là 1,4 tỷ và đòi thu về 3,6 tỷ.
Lúc này, anh lại rơi vào một bế tắc mới. Sau nửa năm cãi vã cuối cùng số tiền mà anh phải nghiến răng bỏ ra là 2,5 tỷ đồng.
Trong suốt câu chuyện, tôi cảm nhận được sự bức xúc, phẫn nộ của anh. Sau cùng anh ấy thể hiện sự phẫn nộ bằng việc chửi rủa. Chửi một kẻ vô lương tâm và cơ hội. Một kẻ khốn nạn…
Vâng, kinh doanh thì phải đối mặt với rủi ro. Nhưng có bao nhiêu người để tâm đến việc lường trước những hậu quả để không phải dùng đến những từ như “giá như ngày ấy…” hay “biết thế thì đã…”? Và liệu chúng ta có thể nhận diện được rủi ro hay chúng ta chỉ biết đến hậu quả khi nó đã xảy ra?
Chúng ta thử làm một phép tính để tính toán thiệt hại của anh ấy:
➡ Về tiền bạc:
Anh bỏ ra 2,5 tỷ để mua lại số cổ phần đó. Số vốn ban đầu là 600 triệu. Nếu mua với giá 25.000 đồng thì tổng là 1,5 tỷ, tức là ngoài số vốn gốc, anh phải trả thêm số lãi 900 triệu. Còn lại 1 tỷ là cái giá anh trả cho số vốn không hề tồn tại.
➡ Về thời gian và tinh thần
Anh mất thời gian khá dài để giải quyết các rắc rối do chính mình gây nên. Thời gian ấy, anh bức xúc, phẫn nộ và nuối tiếc. Trong khi đó, có rất nhiều việc đòi hỏi anh bình tâm giải quyết…
Mặc dù rất đồng cảm với anh ấy về các vấn đề cổ đông, tôi vẫn phải cảnh báo vấn đề về thuế.
3. Ảnh hưởng về thuế
Theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp không góp đủ vốn đã đăng ký, chi phí lãi vay tương ứng với phần vốn thiếu không được tính vào chi phí. Điều đó có nghĩa là phần chi phí này phải lấy từ lợi nhuận sau thuế. Đây là một thiệt hại khi xem xét về thuế.
Đối với trường hợp trên, số vốn thiếu là 7 tỷ. Nếu tính chi phí lãi vay với lãi suất là 10%/năm thì chi phí lãi vay sẽ bị loại ra là 700 triệu/năm. Với thuế suất thuế TNDN hiện hành là 20% thì thiệt hại về thuế là 140 triệu/năm.
140 triệu/năm là lớn hay nhỏ? Câu trả lời là tùy thuộc mỗi người nhưng số tiền đó đủ để trả lương cho 1-2 lao động. Khi mà doanh nghiệp nhỏ hoặc mới thành lập luôn kêu ca rằng mình không đủ tiền để thu hút và tuyển dụng nhân sự thì khoản đó rất quý giá.
Sau khi tôi cảnh báo vấn đề về thuế, mặt anh đang nhăn nhúm lại dài ra thườn thượt. Rắc rối chồng lên rắc rối. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng cũng mừng cho anh đã thoát khỏi bế tắc.
4. Doanh nghiệp làm gì?
Trong thực tế, có vô vàn các câu chuyện, các tình huống vốn ảo. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng báo cáo hoặc thông tin của doanh nghiệp mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến công ty.
Chủ doanh nghiệp cũng có rất nhiều lý do để nâng số vốn của mình trên đăng ký kinh doanh. Kéo theo đó là việc xử lý số tiền ảo, tạo nên các tài sản ảo trên báo cáo, ghi nhận các khoản chi không có thực. Ngoài việc đối mặt với các rắc rối như trên, nó còn kéo theo các sai sót khác về kế toán và thuế. Với thuế thì không chỉ có truy thu mà còn phạt chậm nộp và phạt vi phạm.
Khi đăng ký doanh nghiệp, tốt nhất là đăng ký số vốn thực góp. Khi có nhu cầu tăng vốn thì doanh nghiệp làm thay đổi đăng ký kinh doanh. Và nếu có tồn tại khoản vốn ảo thì cố gắng càng nhỏ càng tốt.
➡ Chủ doanh nghiệp làm gì?
- Lựa chọn kỹ lưỡng người đồng hành.
Việc này vô cùng quan trọng. Mâu thuẫn và rắc rối khó giải quyết nhất xuất phát từ chính lãnh đạo và chủ công ty chứ không phải từ phía nhân viên.
- Tính toán hợp lý số vốn cần thiết cho nhu cầu kinh doanh.
Cơ cấu và quy mô vốn ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và hiệu quả. Tính toán thế nào là hợp lý? Tôi sẽ chia sẻ nội dung này ở các bài viết sau.
- Phân định rõ ràng quyền và trách nhiệm của người sở hữu với người điều hành.
Nhiều doanh nghiệp không có quy chế quản trị hợp lý, không phân chia trách nhiệm và xác định thẩm quyền phù hợp. Và họ thường đối mặt với việc hoặc là lơi lỏng trong quản trị, hoặc là các cổ đông tham gia quá sâu quá nhiều vào hoạt động hàng ngày. Dù là tình huống nào thì cũng không tốt.
- Lường trước rủi ro.
Khi thành lập hoặc thay đổi số vốn đăng ký, chủ doanh nghiệp có thể trao đổi kỹ lưỡng và tham vấn ý kiến tư vấn của bên cung cấp dịch vụ đăng ký kinh doanh. Họ am tường pháp luật và có thể trợ giúp rất nhiều. Nhưng thông thường doanh nghiệp thường bỏ qua lợi ích này.
Ngoài ra, lãnh đạo doanh nghiệp có thể hỏi và xem xét đến ý kiến của kế toán. Nếu họ cập nhật quy định thì họ sẽ nêu ra các cảnh báo. Còn nếu họ không biết thì họ cũng sẽ tìm hiểu để trả lời. Những thông tin họ đưa ra là hữu ích cho việc ra quyết định.
➡ Với người làm kế toán.
Nhiều kế toán nói rằng họ chẳng có tư cách gì để tham gia vào những quyết định quan trọng của công ty và lời nói cũng chẳng có giá trị. Sau đó, họ chạy theo để xử lý những vấn đề phát sinh. Việc đó tốn rất nhiều công sức và cũng hàm chứa nhiều rủi ro.
Thay đổi suy nghĩ và quyết định của người khác, nhất là người trả lương cho mình là một điều rất khó. Tuy nhiên, kế toán có thể đưa ra các cảnh báo về những nguy cơ mà doanh nghiệp có thể đối mặt. Ít nhất nó cũng giúp có thêm thông tin cho lãnh đạo đưa ra quyết định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét