Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

KỸ NĂNG SÁNG TẠO: 50 SẮC THÁI ĐỂ TỒN TẠI & PHÁT TRIỂN

Mùa hè 2014, tôi dự một hội nghị dành cho tác giả của Mỹ tại San Diego. Bên trái tôi là một phụ nữ khoảng gần 60 mươi, tóc bạc, ăn mặc rất kín đáo giữa mùa hè nóng nực ở cái khí hậu nửa sa mạc này; bên phải là một ông khoảng 70 thanh lịch trong một bộ vest trịnh trọng. Chúng tôi ngồi nghe diễn giả trình bày một giờ thì đến giờ làm bài tập nhóm. Tôi quay sang tự giới thiệu:
“ Tôi là Lan. Tôi chuyên viết về quản trị kinh doanh. Còn ông thì sao?”
“ Tôi là Zack. Tôi chuyên viết về tương lai, phát minh và sáng tạo. Còn bà thì sao? Ông quay sang hỏi người phụ nữ ăn mặc kín đáo.
“ Tên tôi là Janet. Tôi chuyên viết chuyện người lớn tam XXX.”
??? Cả tôi và Zack như chưng hững há hốc vì không biết tiếp tục câu chuyện như thế nào. Vì nhìn bà, thì tôi chỉ có thể nghĩ là bà viết sách giáo khoa cho học sinh trung học… chứ làm sao mà…
Tôi tiếp tục; “ Xin lỗi tam XXX là có nghĩa thế nào hả bà? Xin bà giải thích thêm.”
Bà đáp;” Cô đã đọc 50 Sắc Thái chưa? Nếu 50 Sắc Thái là một nửa X, thì thể loại tôi viết là XXX.”
Zack chồm lên hăm hở; “Thế sách của bà có thể mua ở đâu?”
Bà điềm tĩnh đáp;” Đa số là khách đặc biệt đặt hàng, chứ không bán rộng rãi trên thị trường.”
Tôi, một tác giả trẻ mới vào nghề… thật hăm hở học hỏi từ đàn anh đàn chị đã xuất bản ít nhất một chục tác phẩm. Hôm nay quả thật là một ngày đầy hứng thú đây…
Ngày nay kỹ năng suy nghĩ sáng tạo trở thành một kỹ năng vô cùng cần thiết. Nếu ngày xưa ta nghĩ rằng kỹ năng này chỉ cần cho các nhà phát minh, tác giả và các hoạt động nghệ thuật; thì ngày nay nó là kỹ năng tiên quyết cho một doanh nghiệp, cho sự tồn tại và phát triển.
Zack và tôi đồng thanh hỏi Janet;”Bà lấy cảm hứng viết như thế nào?”
Janet thản nhiên đáp; “Tôi không viết bằng cảm hứng. Nếu chờ đến khi có cảm hứng thì chắc 10 năm mới xong một tác phẩm. Mỗi ngày, tôi thức dậy, tôi vào phòng, đóng kín cửa và đặt bút xuống viết… cứ viết dù chưa có ý tưởng…chưa có cảm hứng gì. “
Zack gật gù;” Wow… vậy là cái quy trình viết của bà cũng không khác gì quy trình sáng tạo thật nhàm chán của tôi.”
Sau 30 phút họp nhóm tôi vỡ ra quá nhiều điều … Dù tôi không có ý định viết truyện người lớn như Janet… nhưng bà thật sự làm tôi ngưỡng mộ và lột trần nhiều điều mà tôi đã hiểu sai. Tôi cứ ngỡ thế giới của bà đầy fantasy… nhưng thật sự nó là một chuỗi những ngày tháng lao động miệt mài mệt mỏi... để tạo fantasy cho người đọc.
Zack cũng cho tôi hiểu quá trình phát minh sáng tạo nhiều gian nan, thất bại liên tục chỉ để có lúc một vài ý tưởng được hình thành, hiện thực, được chấp nhận trên thị trường.
Điều tuyệt vời nhất là chúng ta hay lầm tưởng chỉ có thiên tài hay vĩ nhân mới đem đến sáng tạo. Sự thật thì những cá nhân đời thường như chúng ta vẫn có thể PHÁT TRIỂN khả năng sáng tạo và phát minh. Vậy để thực hiện như thế nào. Xin chia sẻ với các bạn những ghi nhận đối với tôi đáng giá ngàn vàng:
Người diễn giả ngày hôm đó là giáo sư tiến sĩ Keith Sawyer, ông trùm về giáo dục sáng tạo, chế tạo video game của Mỹ. Ông đưa ra 8 giai đoạn trong sáng tạo như sau:
1. ASK- Hỏi
Sáng tạo luôn bắt đầu từ câu hỏi, tầm nhìn, vướng mắc, thử thách, tình trạng khó mình vướng phải trong cuộc sống của chính mình. Hãy hỏi những câu sau: Tại sao, phải chi, làm sao mà, tại sao, tại sao không…
2. LEARN- Học
Không cho rằng mình biết rồi mà phải không ngừng tò mò học hỏi. Trung bình thành khá; khá thành giỏi, giỏi thành xuất sắc, xuất sắc thành chuyên gia.
3. LOOK- Nhìn
Luôn quan sát, luôn bật hết những “radar” của mình để tiếp thu, để thấy, hập thụ, “thu sóng” sự vật chung quanh. Bạn sẽ thu lượm được những điều bất ngờ.
4. PLAY – Chơi
Đây là giai đoạn khá quan trọng trong sáng tạo. Chơi là những hoạt động không quá nghiêm túc và không theo một cấu trúc nào nhất định. Giống như trẻ con chơi. Hãy tự do tưởng tượng và bay bổng.
5. THINK- Suy nghĩ
Hãy giải phóng và để cho não bạn tuôn tràn với ý tưởng. Đừng giới hạn, đừng chốt, khoan hãy biên soạn, đánh giá nó theo một nguyên tắc nào, dù rằng bạn biết đa số các ý tưởng sẽ không thành hiện thực.
6. FUSE – Kết hợp
Ý tưởng sáng tạo thường do kết hợp, thêm hay bớt. Một ý tưởng sáng tạo thành công ít khi đứng một mình mà do kết hợp với những ý tưởng khác.
7. CHOOSE- Chọn
Đến lúc này thì bạn bắt đầu chọn lọc, biên soạn, phản biện để chọn ra ý tưởng tốt nhất.
8. MAKE – Làm
Chọn được ý tưởng rồi, thì bạn cần hiện thực nó. Một ý tưởng tốt mấy cũng chỉ là một giấc mơ nếu bạn không hành động.
*** Đừng ngại rằng bạn phải như Thomas Edision hay Picasso. Thật ra, chính những vĩ nhân đó phải qua những chuỗi ngày dài ê ẩm thất bại. Ta có thể bắt đầu bằng những chuyện nho nhỏ như anh Zoel.
Zoel, bạn tôi chuyên cung cấp nấm cho siêu thị và nhà hàng. Anh có luôn cả trang trải ủ và trồng nấm lẫn mạng lưới phân phối B2B. Qua quan sát và hỏi han không ngừng, anh biết rằng các chủ nhà hàng trả tiền nhân công và tiền thuê mặt bằng cực kỳ cao ở Manhattan New York (ngang hay cao hơn với giá ở Đồng Khởi Nguyễn Huệ). Một nhân viên chỉ đứng đó, chiếm một diện tích đáng kể trong cái bếp chật hẹp… chỉ để rửa nấm. Anh tìm tòi và đưa ra giải pháp cho khách hàng — anh cung cấp nấm đã được rửa sạch; được cắt dọc, cắt ngang các kiểu… và bán giá cao hơn. Các chủ nhà hàng rất vui và biết ơn anh, vì dù giá cao hơn, họ vẫn tiết kiệm chi phí rất nhiều trong dây chuyền chế biến và nấu nướng. Anh cũng kiếm thêm được hơn nhiều lợi nhuận vì ngày xưa là bán nguyên liệu thô; bây giờ là cung cấp sản phẩm. Đây là một win-win!
QUY LUẬT
• Phải chấp nhận có lúc bạn sáng tác, nghĩ ra những ý tưởng dỡ hơi, điên khùng, nhàm chán, thất bại … để có lúc sẽ có một tác phẩm, ý tưởng được chấp nhận... nhưng phải liên tục sáng tạo để phát triển “cơ bắp sáng tạo”.
• Tạo một thông lệ, một thói quen. Dành một khoảng thời gian nào đó trong ngày cho việc sáng tạo: viết, vẽ, brainstorming, sáng tác, thử nghiệm.
Nếu ta muốn vị thế của Starbucks, chứ không mãi mãi là người nông dân trồng cà phê thô, thì nhất thiết chúng ta phải phát triển tư duy sáng tạo.
Vậy bạn có thời gian biểu cho việc sáng tạo chưa? Bát đầu từ ngày hôm nay nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét