Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

LA BÀN CHIẾN LƯỢC - TRẦN KIM THÀNH

Khi lênh đênh trên biển hoặc lạc giữa rừng sâu, bạn cần gì?

Đúng là ông già lẩm cẩm!

Ở cái thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 này, chỉ cần cái “sờ mát phôn” thì muốn đi đâu cũng được nhé!

Nhưng bạn ơi! Lúc đó không có sóng di động đâu mà Gu gồ, chưa kể nó hết pin là em đi xa lắm!

Cái bạn cần là LA BÀN.

LA BÀN để ĐỊNH HƯỚNG!
LA BÀN không cần pin, không cần GPS, cũng chẳng cần sóng di động nhưng nó có thể giúp bạn một cơ hội sống sót.



Trong kinh doanh, nhiều lúc chúng ta như lạc giữa rừng rậm các mối quan hệ khách hàng, đối tác, đối thủ, nhân viên, sản phẩm, dịch vụ, …. Để thoát được bạn cần có một định hướng đúng, đó là CHIẾN LƯỢC.

Có nhiều công cụ để ĐỊNH HƯỚNG hay làm CHIẾN LƯỢC cho doanh nghiệp , trong đó SWOT là công cụ kinh điển nhất, đơn giản nhất. Đã từng học, từng ứng dụng và chia sẻ cho nhiều học viên nhưng đến khi nghe anh Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn KIDO giảng tôi mới thấy được sự vi diệu của anh khi biến mọi thứ cần nói vào 1 cái hình.

Điều vi diệu đầu tiên là thay cho cái ma trận 4 ô cứng nhắc là cái hình tròn chuyển động. Hàm ý những điểm mạnh (S), cơ hội (O), điểm yếu (W) và thách thức (T) đều biến động, đặc biệt trong một thế giới bất định như hiện nay. Những điều tưởng là mạnh hôm nay đã có thể trở thành thách thức, thậm chí là điểm yếu trong tháng sau nếu chúng ta không biến chúng thành lợi thế cạnh tranh, không tạo được cơ hội. Cái hay ở đây không phải là việc thay đổi cái hình mà là thay đổi tư duy của người sử dụng công cụ - hãy nhớ mọi thứ đều BIẾN ĐỘNG và bạn đừng BẤT ĐỘNG.

Nhìn kỹ hơn, vòng tròn rất giống lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, biến hóa khôn lường. Trong NGUY (T) có CƠ (O) và ngược lại. Yếu thế (W) không hẳn đã NGUY (T), nếu khôn ngoan vẫn thấy được CƠ (O) hoặc chí ít có CƠ để tồn tại, chờ thời. Điều quan trọng ở đây là khi phân tích, chúng ta phải làm cho tới, làm đủ sâu để thấy hết mọi khía cạnh vấn đề. Rất nhiều bạn phân tích kiểu: Về đội ngũ, điểm mạnh của công ty là có nhiều kinh nghiệm, điểm yếu là lớn tuổi; Hệ thống phân phối của chúng tôi rộng khắp nhưng yếu điểm là cồng kềnh. Các bạn nếu đúng hiện tượng nhưng giá trị (thông tin) phân tích là vô nghĩa.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng, cái vòng tròn ấy biến thành LA BÀN, “từ trường” của THỊ TRƯỜNG sẽ định vị kim nam châm. Nhiệm vụ của chúng ta là chọn một hướng cho mình (theo anh Thành gợi ý: TĂNG TRƯỞNG, HỢP TÁC, RÚT LUI, CẢI TIẾN). Ở đây, chúng ta cần nhớ la bàn hoạt động theo nguyên tắc từ trường trái đất. TRÁI ĐẤT chính là THỊ TRƯỜNG, CÔNG TY là KIM NAM CHÂM. Nên mọi phân tích các nguồn lực của công ty phải so sánh với thị trường. Điểm mạnh là mạnh so với ai? So với các đối thủ cùng ngành, với nhu cầu khách hàng, với nhà cung cấp, … chứ không phải đóng cửa phòng rồi nghĩ ra điểm mạnh. Bệnh chung của nhiều người dùng SWOT là ngồi nhà và tưởng tượng. Khi đó từ tính (sức hút, sự tương tác) không có lấy gì LA BÀN hoạt động, lạc đường là chắc chắn.

Một điểm lý thú không thể bỏ qua nữa là sự tinh tế của anh Thành khi vẽ các mũi tên tác động vào SWOT. Nếu chủ động, chúng ta sẽ dự báo được các yếu điểm, nguy cơ sẽ tới để chủ động phòng ngừa. Ngược lại, chúng sẽ ập tới và chúng ta khó mà chống đỡ. Lưu ý một chút: điểm yếu là nội tại, chúng ta phải chủ động phòng ngừa và có thể khắc phục. Nguy cơ là từ bên ngoài, như bão, như thiên tai vậy, chúng ta chỉ có thể hạn chế (đừng có nghe lời mấy ông lu loa “phòng chống lụt bão” rồi mơ nhe :-)). Tuy nhiên nếu có sự chuẩn bị tốt và nội công thâm hậu thì có thể biến NGUY thành CƠ đó! Muốn có điểm mạnh thì phải chuẩn bị, phải xây dựng. Chúng không tự nhiên mà có. Một khi đã chuẩn bị tốt thì thời cơ lại có thể mang đến cho ta thêm sức mạnh. Cơ hội không dành cho những người không biết nắm bắt nó. Nó sẽ tới khi bạn đã chuẩn bị thật tốt. Khi phân tích SWOT nếu thấy có quá nhiều cơ hội, chúng ta cần làm kỹ lại. Có thể chúng ta nhận định sai khi nhầm điểm mạnh là cơ hội, thậm chí nguy cơ là cơ hội. Làm kỹ rồi mà vẫn nhiều, có khi lại là điểm yếu vì nhiều khả năng thả mồi bắt bóng. Khi đó hãy bình tĩnh, tinh chỉnh lại LA BÀN để chọn hướng cho chính xác.

Hiển nhiên để xây dựng chiến lược cho công ty không phải chỉ có mỗi công cụ SWOT. Chúng ta còn có ma trận ANSOFF, BCG, PLC, 5-Forces, PESTEL, … Nhưng tôi chọn SWOT để viết vì nó là công cụ kinh điển, đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp SME và vì tôi thích cái LA BÀN ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC của anh Trần Kim Thành.

(Bài viết thể hiện cách nhìn của tác giả từ bài giảng Strategic Management của anh Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn KIDO trong lớp CEO Khởi nghiệp 01 của Group Quản trị và Khởi nghiệp. Tác giả cũng đã xin phép anh Thành được chia sẻ công cụ này.)

P/S:
Trong khuôn khổ một status, tôi không thể chuyển tải được hết các nội dung cần thể hiện sao cho không quá dài để mọi người còn kiên nhẫn đọc (cái này do năng lực bản thân còn hạn chế, sẽ học hỏi thêm từ anh Lâm Minh Chánh và các anh) nên:
- Xin lỗi anh Tran Kim Thanh nếu có điều gì em nhận định chưa trúng “nguyên bản” của anh.
- Sẵn sàng chia sẻ, học hỏi thêm với các anh, chị, các bạn kinh nghiệm, kỹ năng sử dụng công cụ SWOT và các nội dung liên quan xây dựng chiến lược công ty.
Trân trọng!

ĐINH DUY LINH
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG II
HỌC VIỆN CÔNG NGHỆ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét