Thưa các cô chú & anh chị. Hiện nay ở Việt Nam người trẻ khởi nghiệp kinh doanh khá nhiều, bản thân em cũng đã gặp nhiều người. Nhưng qua quan sát của em, em thấy phần đa các bạn trẻ đều đặt mục tiêu là thu nhập cao, còn số người thực sự có niềm đam mê với nghề quản trị còn khá ít.
Em viết bài này muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân, cũng là chia sẻ tình yêu với khoa học quản trị, và hy vọng sẽ có những lời khuyên chân tình từ những người đi trước, và những người bạn cùng chí hướng để học hỏi lẫn nhau.
Em yêu thích công việc quản lý từ khi học đại học năm 2, qua môn Quản trị học đại cương, và bắt đầu mày mò tìm hiểu về nó. Em nhanh chóng nhận ra ở nước ta, mọi người thường hay nhầm lẫn giữa những khái niệm cơ bản như kinh tế, kinh doanh, quản lý, lãnh đạo và điều hành, sách viết về chủ đề quản trị học cũng không phong phú, chủ yếu là các bài học kinh doanh, làm giàu…. Vì thế, em quyết tâm tìm cho ra bản chất của vấn đề.
Việc đầu tiên mà em lựa chọn là đến xin làm việc parttime cho một cơ quan nhà nước. Mục đích duy nhất là để tìm hiểu cách người ra tổ chức, quản lý công việc. Lúc đó cơ quan cách nơi em sống khoảng 15km, đi bằng xe bus vì em chưa có xe máy, em đi làm không có lương mà thi thoảng có phụ cấp vì cơ quan không thể ký hợp đồng với sinh viên đang đi học. Em được giao chủ yếu là các công việc lặt vặt như nghe điện thoại, làm slide, đi photo tài liệu… Nhiều khi cũng vất vả nhưng em làm việc gì cũng hăng say và nhiệt tình. Lúc đó anh thủ trưởng cơ quan nhìn thấy em lúc nào cũng lui cui có gọi em tới động viên “Sẽ có ngày, em trưởng thành lên từ công việc thầm lặng này”. Em thì chả hiểu như thế là khen hay chê, em chỉ quyết tâm làm gì thì phải làm cho thật tốt không để người ta coi thường sinh viên trường Bách Khoa mà thôi.
Sau một năm thì em được cơ quan trung ương Đoàn “mượn” về làm việc vì thấy chăm chỉ và được việc. Em lại chạy sang cơ quan mới làm thêm một năm nữa, cũng những công việc không tên nhưng lần này có kế hoạch, phân công đàng hoàng hơn, em cũng được đi nơi này nơi kia và tham gia một số sự kiện, hội nghị, công tác hay họp hành nhiều hơn.
Thực tế đã cho thấy, quãng thời gian sinh viên này với em không hề lãng phí chút nào. Em đã hình thành được cho bản thân những khái niệm đầu tiên về một hệ thống làm việc có tổ chức. Chỉ riêng việc từ cấp thành phố lên trung ương (dù hai cơ quan khá gần nhau), em đã thấy cách giải quyết công việc của họ khác biệt rất nhiều. Có nhiều bài học hay và thú vị em đã thu nhặt được từ lúc làm trong cơ quan chính trị. Ngoài ra, em cũng có cơ hội làm việc cùng nhiều lãnh đạo. Em thấy hầu hết mọi người hiện nay chê bai cách làm việc của nhà nước, nhưng có khi họ chưa từng làm việc trong đó một ngày nào cả. Tất nhiên môi trường nhà nước có một số điểm hơi trì trệ, nhưng về cách quản lý thì phải nói là rất nhiều điều đáng học hỏi. Sự phân biệt trên dưới rõ ràng, tổ chức bộ máy có quy trình và logic chặt chẽ, cùng hình ảnh những lãnh đạo tài năng, tận tụy, có đạo đức chính là những bài học đi theo em trong suốt các công việc sau đó.
Sau khi học xong thì em về công tác tại một cơ quan hành chính sự nghiệp thêm 1 năm trước khi ra ngoài. Tại đây sau mấy tháng thì em được làm quản lý cấp phòng. Phòng có 5 người thì em nhỏ tuổi nhất. Vì vậy, em buộc phải cập nhật kiến thức về vấn đề nhân sự. Làm sao để những người lớn tuổi hơn, kinh nghiệm nhiều hơn vẫn nghe theo quyết định của mình. Đây là những bài học vỡ lòng đầu tiên đối với em trong nghề này. Sau khi giải quyết nó thành công, em đã thấy rõ nó là con đường phải đi và đặt mục tiêu học nghề quản lý cho đến nơi đến chốn.
Cũng giống như nghề ngoại ngữ có 4 kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết; nghề quản lý có 4 chủ điểm chính và khoảng hơn 10 loại kỹ năng quản lý cơ bản cần rèn luyện thành thạo, từ hoạch định, tổ chức cho đến kiểm tra, thưởng phạt, đào tạo, tuyển dụng… Em thấy băn khoăn nếu cứ ở trong nhà nước chắc chỉ học được 2, 3 loại là cùng. Vì vậy em xin nghỉ việc để khởi nghiệp với một công ty riêng.
Bắt đầu khởi nghiệp có thể nói là là bắt đầu một hành trình vô cùng cô đơn. Nếu như trước kia, luôn có người đưa nhiệm vụ cho mình, thì bây giờ câu chuyện là tự tạo ra nhiệm vụ và đưa cả team tiến đến đích. Mỗi năm là một thử thách về tầm nhìn, chiến lược và doanh thu. May mắn của em là em đã có mục tiêu rõ ràng, công ty là để học tập chứ không phải kiếm tiền. Em luôn cố gắng tìm tòi kiến thức, lời khuyên trước khi bắt tay vào vấn đề.
Có học và làm mới thấm thía câu nói: Trên lý thuyết thì lý thuyết luôn giống với thực tế, còn trên thực tế thì thực tế luôn khác với lý thuyết. Công ty của em cũng mắc những sai lầm, do thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết. Nhưng sau 2 năm thì các vấn đề cơ bản được “fix”, công ty bắt đầu có lợi nhuận và tăng trưởng ổn định, trở thành một nhà cung cấp dịch vụ có uy tín trên thế giới trong một lĩnh vực ngách của thị trường IT. Và em cũng tự xác định mình đã là một nhà quản lý thực sự.
Sau 1 năm nữa, mọi việc gần như đi vào quy trình ổn định. Em lại băn khoăn không biết sắp tới sẽ phát triển công ty đi đâu, đặt mục tiêu theo hướng nào cho phù hợp. Thấy đã đến lúc cần học hỏi thêm, em lại đến gặp 4 ông chủ doanh nghiệp để xin làm việc. Sau cùng em đã chọn một doanh nghiệp sản xuất trong ngành dệt may để thử sức.
Tất nhiên là vì tuổi đời quá trẻ nên dù là founder của một công ty khác, nhưng vào đây em chỉ có thể làm nhân viên quèn, lương tháng lúc đó chắc khoảng bằng thu nhập 1 ngày làm việc của em ở công ty riêng. Nhưng phương châm của em là đã đi học thì không mất thêm học phí là tốt lắm rồi, phải tranh thủ học những cái hay, cái tốt của người ta thì sau này mới khá được.
Lúc đó sếp em thấy em lương thì thấp mà làm gì cũng chịu khó, thậm chí phải bỏ thêm tiền cho công việc em cũng không ngần ngại thì mới để ý và dặn “Cứ chăm chỉ, anh sẽ có nhiều việc cho chú làm”. Nhờ làm việc trong môi trường sản xuất dây chuyền với số lượng nhân sự lớn hơn (khoảng 400 người), cùng với việc gặp gỡ khách hàng nước ngoài, em đã tự tích lũy nhiều bài học thực tế cho bản thân. Mỗi lần làm việc xong, em lại rủ các đối tác Nhật, Mỹ, Âu đi ăn để hỏi han xem nước họ làm việc ra sao, quy trình thế nào, cách quản lý kế hoạch, nhân sự có gì độc đáo..v..v.
Từ sự giao lưu với khách hàng nhiều nơi, em hiểu rõ sự khác nhau giữa 2 trường phải quản lý của Mỹ và Nhật, em cũng thấy rằng người Việt Nam rất có tố chất để trở thành những nhà quản lý giỏi trong nền kinh tế toàn cầu. Vì mình có khả năng giao lưu văn hóa rất tốt, ngồi với Tàu, với Nhật cũng được mà ngồi với Mỹ, Anh cũng được. Ngược lại, nhược điểm quan trọng là người Việt là không có kiến thức bài bản, làm việc cảm tính và sức khỏe hơi yếu. Hiện nay sở dĩ các doanh nghiệp lớn đang trọng dụng CEO người Ấn Độ một phần cũng vì nguyên nhân này, họ không quá nguyên tắc như CEO Nhật, nhưng cái tôi cũng không quá lớn như CEO Mỹ, đồng thời sức khỏe và ngoại ngữ lại tốt. Em thấy đó là một điều ngành quản trị của Việt Nam rất nên phải suy nghĩ.
Sau khi cống hiến 1 năm thì sếp tổng của em quyết định rút về tuyến sau và giao lại toàn bộ công ty cho em quản lý. Lần này em cũng vẫn là quản lý trẻ măng so với các quản lý cấp trung của mình :D. Người nào còn trẻ cũng hơn em vài tuổi, cá biệt có một bác đã ngoài 70, nhưng sức còn mạnh khỏe lắm nên bác vẫn làm trưởng phòng. Các vấn đề tài chính doanh nghiệp, pháp luật và quản trị nguồn lực cũng khó khăn hơn. Dù vậy, em không còn bỡ ngỡ nữa vì dù sao cũng có mấy năm làm quen trước đó rồi. Sau đó, em đã thay đổi, sắp xếp khá nhiều vấn đề và giúp xây dựng lại cho công ty một quy trình làm việc tốt hơn, hiện đại hơn và vẫn được duy trì cho đến năm nay, khi em cùng với sếp cũ cùng nhau góp vốn xây dựng một doanh nghiệp mới, làm đối tác với chính công ty của anh ấy.
Công ty mới của em đã tự cân bằng được tài chính sau mấy tháng khởi động và phủ sóng sản phẩm trên 15 tỉnh thành trong thời gian trong khoảng thời gian khá ngắn ngủi. Hiện nay dù khách hàng mới, khách hàng cũ đến làm việc mỗi ngày nhưng em vẫn có đủ thời gian ngồi viết bài này, và rảnh rỗi ngẫm nghĩ định hướng phát triển cho năm sau là nhờ các bộ phận đã được đào tạo, giao việc theo quy trình hợp lý, khoa học để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của khách hàng. Tất cả công việc và cơ hội em có, thực ra lại không bắt nguồn từ mơ ước kiếm nhiều tiền, mà từ niềm yêu thích của bản thân em với nghề quản lý, và ước muốn khám phá những thử thách mới của nghề nghiệp.
Em thấy rất đáng tiếc khi Việt Nam chưa bao giờ thực sự coi quản trị là một môn khoa học cơ bản. Ngay như ở trường cũ của em, một trong những tiêu chí đầu tiên để bầu chọn vị hiệu trưởng vẫn cứ là học vị và thành tích chuyên môn của vị ấy. Tất nhiên làm hiệu trưởng của đại học lớn thì không thể thiếu kiến thức và học vấn được, nhưng mấu chốt của công việc hiệu trưởng vẫn là quản lý, hoạch định, ngoại giap chứ không phải nghiên cứu khoa học. Cũng không biết bao giờ Việt Nam mới được lãnh đạo bởi những nhà quản lý thực sự thay cho toàn nhà khoa học như hiện nay.
Các bạn trẻ đồng trang lứa với em thì hầu như không thể phân biệt nổi sự khác nhau giữa một giáo viên ngoại ngữ và một giám đốc trung tâm dạy ngoại ngữ. Các bạn cứ có kiến thức chuyên môn, dạy học tốt là ra mở trung tâm; làm ra sản phẩm, dịch vụ tốt là mở công ty mà không hề bổ túc cho bản thân những kỹ năng khác. Khi vấp phải các vấn đề tài chính, nhân sự, marketing… các bạn hầu như không có chút ý tưởng (idea) nào về phương pháp giải quyết. Em rất tiếc khi nhìn thấy nhiều dự án hay đã phải chết yểu chỉ vì thiếu sót những kỹ năng quản trị dự án rất cơ bản.
Vì vậy em thực sự mong ước mọi người, và nhất là giới trẻ sẽ quan tâm hơn, và các cô chú, anh chị đi trước sẽ chia sẻ thêm về cho thanh niên về vấn đề này, tạo ra nhiều diễn đàn như group của chúng ta cho mọi người chia sẻ về bộ môn Quản trị. Kiến thức quản trị vững vàng sẽ là nền tảng cho một chính phủ, cơ quan, doanh nghiệp, đội nhóm thành công và tạo nên một quốc gia thành công :) Và mong là các bạn trẻ Việt Nam sẽ có nhiều người đam mê với quản trị học, cũng như người ta đam mê ca hát, dancing, hội họa… vì lĩnh vực này quả thật rất thú vị và hấp dẫn.
Em xin cảm ơn và chúc các cô chú, anh chị mạnh khỏe, thành đạt ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét